Những nguồn bức xạ phổ biến trong cuộc sống

(ANTĐ) - Xem tivi hay sử dụng điện thoại di động, con người sẽ hấp thu sóng bức xạ. Kể cả hút thuốc lá cũng không tránh khỏi điều này. Tuy nhiên, tất cả các dạng bức xạ đều không giống nhau.

Những nguồn bức xạ phổ biến trong cuộc sống

(ANTĐ) - Xem tivi hay sử dụng điện thoại di động, con người sẽ hấp thu sóng bức xạ. Kể cả hút thuốc lá cũng không tránh khỏi điều này. Tuy nhiên, tất cả các dạng bức xạ đều không giống nhau.

Theo thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ, trung bình người Mỹ hấp thu 370 millirem (viết tắt là mrem - đơn vị đo lường ảnh hưởng của phóng xạ trên cơ thể con người) mỗi năm nhưng con số này có thể khác nhau tùy thuộc vào môi trường sống và thói quen của mỗi người.

Ví dụ, nếu trung bình mỗi người xem tivi trên 4,5 tiếng mỗi ngày, lượng bức xạ từ các thiết bị điện tử là rất nhỏ, chỉ 1 mrem. Trong các nguồn bức xạ phổ biến trong cuộc sống đời thường khác thì khi đi máy bay, lượng bức xạ sẽ là 6 mrem, cộng với 10 mrem phóng xạ mỗi lần tại các máy quét an ninh sân bay. Hay như điều mà mọi người quan tâm nhất là bức xạ y học. Một lần chụp X-quang ở cẳng chân tất nhiên người ta sẽ không chịu sóng bức xạ nhiều như khi kiểm tra cơ quan nội tạng. Một lần chụp xương có thể phát xạ 10 mrem trong khi chụp hình quang tuyến ruột kết tạo ra bức xạ cường độ 10.000 mrem - đủ để tăng nguy cơ mắc ung thư lên 1%.

Nếu chịu bức xạ cường độ khoảng 1 triệu mrem, một người có thể chết. Một số trường hợp, chứng cứ rõ ràng là bức xạ do ion hóa, dạng phản ứng tia X-quang và phản ứng hạt nhân là nguyên nhân gây ra ung thư hay khuyết tật bẩm sinh. Trong khi đó, những nguy cơ về mặt sức khỏe của các dạng năng lượng khác như bức xạ vô tuyến từ điện thoại, Wi-Fi hay lò vi sóng… đều gọi chung là bức xạ không phải ion hóa cho đến nay vẫn còn là điều tranh cãi. Thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra, bộ não con người rất dễ tổn thương với bức xạ vô tuyến, đặc biệt là với não đang phát triển của trẻ nhỏ.

Yên Vũ

(Tổng hợp)