Những người canh giữ để rừng mãi thêm xanh

ANTD.VN - “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/Gian khổ sẽ dành phần ai?…” - lời bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn cất lên giữa rừng Tây Nguyên nghe du dương mà lay động lòng người, nhất là khi nghĩ về những chặng đường gian nan, vất vả và thử thách mà biết bao thế hệ của lực lượng kiểm lâm Việt Nam đã trải qua trong 45 năm qua.

Những người canh giữ để rừng mãi thêm xanh ảnh 1Các cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm quyết tâm bám rừng, giữ rừng với chiếc ba lô, xe đạp

Bám trụ ngày đêm để bảo vệ rừng

Xa gia đình, xa vợ con. Phải tập trung, bám trụ suốt ngày đêm ở rừng không kể lễ, Tết hay ngày nghỉ… Đó chỉ là một trong những khó khăn, thử thách mà bất cứ cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm nào ở Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) đều phải trải qua. Dù đã chuyển công tác về Sơn La được mấy tháng nhưng cặp vợ chồng “ngưu lang - chức nữ” giữa anh Trần Lê Trung và chị Hà Thị Duyên vẫn luôn được anh em trong Vườn nhắc đến. Anh chị quen nhau từ thời sinh viên, rồi nên duyên vợ chồng. Năm 2006, anh Trung vào Tây Nguyên nhận nhiệm vụ bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, còn chị thì nhận nhiệm vụ bảo vệ, giữ rừng ở Sơn La. 

Với đặc thù công việc mỗi tháng được nghỉ 4 ngày lại cách nhau quá xa nên mỗi năm vợ chồng anh chị chỉ được gặp mặt nhau đôi ba lần. “11 năm gắn với rừng cũng là ngần ấy năm xa cách, thậm chí có năm nghỉ lễ, Tết vợ chồng cũng không sum vầy với nhau. Ngày 1-12-2017, tôi cầm quyết định chuyển công tác về Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha (Sơn La), cùng cơ quan với vợ mà cảm giác lâng lâng, không tin điều đó là sự thực” – anh Trung xúc động chia sẻ.

Dù đã chuyển công tác, nhưng anh Trung vẫn nhớ tới những cánh rừng, những kỷ niệm ngày đêm đi tuần tra, bảo vệ rừng cùng anh em đồng đội bất kể ngày nắng hay ngày mưa. “Có hôm đi tuần rừng, buổi sáng gặp trời mưa anh em vẫn quyết tâm đi, quần áo ướt hết nhưng khi về đến Trạm thì quần áo đã khô hết” - anh Trung nhớ lại.

Giữa cái nắng trên dưới 40 độ C ở rừng khộp Tây Nguyên, ngày nào cũng vậy các cán bộ chiến sỹ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Yok Đôn luôn cần mẫn đi bộ, đạp xe đi tuần băng qua các địa hình hiểm trở, tinh ý và kiên nhẫn trong việc phát hiện dấu vết để ngăn chặn các tác nhân gây hại cho rừng.

“Công việc của anh em hàng ngày đi tuần tra, kiểm tra các dấu vết ra vào rừng, kể cả dấu chân, dấu xe trên các đường mòn đi vào trong rừng. Mình theo dấu, nếu không kịp thì anh em về bàn cách triển khai kế hoạch mật phục buổi đêm” - anh Phan Thanh Hòa, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết.

Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc Phụ trách Vườn Quốc gia Yok Đôn nhấn mạnh: “Quan điểm quản lý bảo vệ rừng của Vườn là phải giữ cây khi đang còn đứng, giữ cái con khi đang còn sống”. Vốn có đặc trưng địa hình bằng phẳng, mùa khô cây rụng lá, thảm thực bì không còn nên tạo ra vô số những con đường ra vào rừng thay vì những con đường độc đạo.

Trong khi đó, cuộc sống người dân sống trong khu vực Vườn và khu vực xung quanh còn nhiều khó khăn, nhất là vào các tháng mùa khô người dân không sản xuất được nên sống dựa chủ yếu vào rừng. Chính vì vậy, công việc tuần tra của các chiến sỹ kiểm lâm rừng Yok Đôn khá vất vả, thậm chí là cực kỳ nguy hiểm khi phải đối diện với những đối tượng lâm tặc manh động. 

Bất chấp những khó khăn về địa hình, thời tiết cũng như những rủi ro luôn rình rập, các cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm vẫn quyết tâm bám rừng, giữ rừng với chiếc ba lô, xe đạp và các dụng cụ thiết yếu. Vào rừng, không sóng điện thoại, không phương tiện giải trí, thậm chí là không có đủ nhu yếu phẩm thiết yếu, nên mỗi lần đi kiểm tra, các cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm chỉ biết sống dựa vào rừng.

Bữa cơm đơn sơ được nấu từ những con trai bắt từ suối, một vài cọng rau rừng hái vội trong quá trình đi tuần tra, lấy trúc non làm đũa, lá cây rừng làm bát. Cứ thế, những khó khăn, nhọc nhằn vất vả được các anh đón nhận và đi qua bằng một tâm thế lặng lẽ và đầy lạc quan, chỉ để thực hiện một lý tưởng lớn lao và kiên định giữ rừng mãi thêm xanh.

Giúp người dân có sinh kế bền vững 

“Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý” -  lời Bác Hồ dạy vẫn luôn là kim chỉ nam, là ngọn đèn soi rọi để các chiến sỹ lực lượng kiểm lâm vững lòng vượt qua những khó khăn gian khổ trong suốt 45 năm qua (21-5-1973/21-5-2018) để hoàn thành nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng mà đất nước đã giao phó.

Bảo vệ rừng, giữ gìn sự đa dạng sinh học là sự thiêng liêng và đầy tự hào của lực lượng kiểm lâm. Không chỉ vậy, gắn nhiệm vụ bảo vệ rừng và nâng cao sinh kế cho bà con để hướng tới sự phát triển bền vững đang là một trong những cách làm sáng tạo và tích cực.

Với đặc thù khí hậu của miền nắng gió quanh năm, những khu rừng tại Ninh Thuận luôn trong tình trạng báo động về nguy cơ gây cháy. Tuy nhiên, với mô hình kết hợp giữa kiểm lâm, biên phòng và người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng, những năm gần đây tình trạng người dân vào rừng đốn chặt lâm sản đã giảm đi đáng kể.

Đến nay, đã có 25 hộ đã tham gia vào bảo vệ rừng trên 1.000ha rừng của Vườn Quốc gia Núi Chúa. Điều này đã giúp bà con có thêm thu nhập. Không chỉ vậy, các cán bộ kiểm lâm tại đây còn rất tích cực trong việc phối hợp định hướng cho bà con có một kế sinh nhai ổn định, từ đó hạn chế tối đa dựa vào rừng. 

Theo ông Trần Thanh Tùng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thái An, Ninh Hải, Ninh Thuận, từ năm 2010 đến nay, các cán bộ kiểm lâm của Vườn cùng chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân trong xã phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để bán cho du khách hoặc tham gia tổ hoạt động du lịch sinh thái. Những chiếc vòng nhiều màu sắc được làm nên từ những bàn tay khéo léo của đồng bào Raglai tại Ninh Thuận. Nhờ có nghề thủ công làm tràng hạt để bán cho khách du lịch, đời sống của bà con đã được cải thiện đáng kể, không còn phụ thuộc vào rừng.

“Theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020,  giá trị xuất khẩu từ nay đến năm 2020 là 10 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trên 6%, tỷ lệ che phủ rừng phải đạt 42%. Ngoài ra, còn phải hỗ trợ các cộng đồng sống trong rừng, sống quanh rừng phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, đối với lực lượng kiểm lâm cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, nhưng cũng đảm bảo về chất lượng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.

Ông Nguyễn Quốc Trị (Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)

“Những năm gần đây đã có trên 400 vụ chống người thi hành công vụ đã làm 10 chiến sỹ hy sinh, gần 400 cán bộ chiến sỹ kiểm lâm bị thương. Những con số đó đã nói lên sự khốc liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng”.

Ông Đỗ Quang Tùng (Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp  - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)