Những lưu ý "vàng" sử dụng thực phẩm khi uống kháng sinh

ANTD.VN - Khi đang uống kháng sinh, bạn nên lưu ý tránh ăn một số thực phẩm để thuốc được phát huy hiệu quả cao nhất.

Sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa

Trong thời gian uống thuốc kháng sinh, cần hạn chế sử dụng sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa (phô mai, sữa chua...). Bởi vì, canxi trong sữa kết hợp với thuốc kháng sinh, tạo ra muối canxi không tan trong nước. Hậu quả là thuốc không phát huy được tác dụng vì đã bị canxi kìm hãm, giảm đáng kể hiệu quả điều trị. Ngoài ra, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa có thể làm nặng nề thêm cho đường ruột trong khi đang dùng thuốc kháng sinh. Ngoài ra, các sản phẩm chứa nhiều chất béo khác cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh tiêu chảy - một tác dụng phụ khi uống thuốc kháng sinh. 

Thực phẩm chứa nhiều chất xơ

Một số loại rau quả có chứa nhiều chất xơ  hoặc các loại đậu cũng có thể gây tiêu chảy nặng thêm khi bạn đang dùng thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, các thực phẩm như ngũ cốc, lúa mì tuy có thể tăng cường chất sắt và canxi cho cơ thể nhưng lại cản trở khả năng hấp thụ một số thuốc kháng sinh khi vào cơ thể.

Thực phẩm có tính axit

Hàm lượng axít trong một số thực phẩm nhất định có thể làm gián đoạn khả năng hấp thụ thuốc của cơ thể. Việc tiêu thụ thực phẩm chua hoặc đồ uống có chứa nhiều axit như cà chua, nước trái cây, đồ uống có ga cũng có thể hạn chế sự hấp thu của thuốc khi vào cơ thể. Khi đang dùng kháng sinh, nhiều người lại uống nước cam quýt, thế nhưng thực tế nước cam có chứa nhiều axit, cần uống xa thời gian dùng thuốc kháng sinh (khoảng 3 giờ) vì các kháng sinh kém bền vững ở môi trường axit.

Rượu

Nếu bạn uống thuốc kháng sinh và rượu cùng một lúc, chúng có thể gia tăng cơ hội bạn phải chịu trận với những nguy cơ buồn nôn, chóng mặt hoặc buồn ngủ... Thậm chí, một số loại thuốc kháng sinh có nhiều khả còn năng gây ra những phản ứng nghiêm trọng nếu bạn uống rượu khi uống chúng.

Thời điểm thích hợp để kháng sinh phát huy hiệu quả

Có rất nhiều loại thuốc kháng sinh không tương tác tốt với bất kỳ thực phẩm nào. Vì thế, khi kê toa thuốc cho bạn, các bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ khuyên bạn nên uống thuốc khi đói. Khi uống những loại thuốc này, bạn có thể phải ăn/uống 3 giờ trước/sau khi uống thuốc.

Những loại kháng sinh nên uống xa bữa ăn là những loại thuốc kém bền vững trong môi trường dịch vị hoặc bị giảm hấp thu do thức ăn. Nên uống 1 giờ trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau bữa ăn như: nhóm penicillin (penicillin V, ampicillin, amoxycillin... ), nhóm cephalosporin (cefuroxime, cefixim...), nhóm macrolid (clarythromycin, azithromycin, erythromycin...).

Những loại kháng sinh uống trong hoặc ngay sau bữa ăn là những loại không bị giảm hấp thu do thức ăn, gồm có: nhóm quinolon (milosacin, rosoxacin, ciprofloxacin...), nhóm nitroimidazol  (metronidazol, tinidazol...), nhóm cyclin (tetracyclin, doxycyclin...).

Riêng loại viên bao tan trong ruột, không kể thuộc nhóm kháng sinh nào đều không bị ảnh hưởng bởi bữa ăn nhưng tốt nhất vẫn nên uống lúc đói với 1 cốc nước nguội.

Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kháng thuốc đang là một trong những mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Càng sử dụng kháng sinh nhiều càng có nhiều cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc. Các lưu ý được WHO khuyến cáo như sau:

1. Kháng sinh không dùng để điều trị các bệnh do virus gây ra như cảm, cúm: Kháng sinh không có hiệu quả đối với tất cả lây nhiễm. 

2. Không dùng chung kháng sinh với người khác. Người khác có thể có những nhiễm khuẩn khác nhau và không thể dùng cùng loại kháng sinh như mình, điều này có thể dẫn đến kháng thuốc.

3. Không dùng kháng sinh còn lại cho lần sử dụng sau.

4. Nếu bạn được kê dùng kháng sinh, điều quan trọng là bạn phải tuân thủ lời khuyên của bác sĩ là dùng kháng sinh như thế nào, thời điểm nào, dùng trong bao lâu.

5. Hãy thực hiện các bước đơn giản để phòng, chống nhiễm khuẩn: che miệng khi ho, hắt hơi. Rửa tay với xà phòng, đặc biệt là trước khi chuẩn bị hoặc trước khi ăn hoặc sau khi lau mũi.