Những lưu ý quan trọng trong ngày cúng ông Công ông Táo

ANTD.VN - 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời, các gia đình Việt sẽ chuẩn bị mâm cỗ, cá chép cúng tiễn đưa theo phong tục truyền thống. Tuy nhiên, việc làm mâm lễ cúng ông Công ông Táo, thời gian làm lễ, vị trí đặt đồ lễ…đúng phong tục không phải ai cũng biết.

Bữa cúng này được các gia đình tiến hành cẩn thận, thành tâm và trang trọng. Có một số lưu ý quan trọng và những điều kiêng kỵ cần tránh trong quá trình tiến hành lễ cúng sau đây.

Cúng giờ đẹp 

Lựa chọn giờ cúng là rất quan trọng, theo đó không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm, tuyệt đối tránh cúng vào đúng ngày rằm tháng Chạp. Có thể làm lễ cúng từ ngày 20 tháng Chạp đến 23 tháng Chạp.

Thông thường tránh cúng vào sau 12 giờ trưa, theo quan niệm dân gian sau 12 giờ trưa đã đóng cửa thiên đình. Vì vậy, ngày 23 có thể cúng trong buổi sáng.

Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh, cũng có thể cúng trước ngày đấy 1 vài ngày.

Đặc biệt, trước khi cúng không bao sái, rút chân nhang, dọn dẹp bàn thờ trước khi cúng ông Công ông Táo. Công việc này nên thực hiện sau khi tiến hành lễ cúng xong xuôi.

Các gia đình cần lưu ý việc dọn dẹp bàn thờ sau khi hoàn thành xong lễ cúng ông Công ông Táo

Lưu ý quan trọng khi lau dọn bàn thờ

Việc lau dọn và để bàn thờ sạch sẽ là việc làm thể hiện sự thành kính của gia chủ. Vì vậy, dụng cụ lau dọn như chổi hoặc khăn thường được dùng riêng. Nước lau bàn thờ trước tiên là nước sạch. Sau đó dùng rượu trắng với gừng để lau sạch bàn thờ. Khi lau bát hương, phải giữ nguyên bài vị, không được xoay ngang xoay dọc rồi lấy khăn sạch để lau.

Điều quan trọng cuối cùng là chúng ta phải làm việc này một cách thành tâm, nghiêm túc để thể hiện lòng thành kính với người trên.

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo

Tùy vào phong tục và hoàn cảnh gia đình mà mâm cỗ cúng ông Công ông Táo được chuẩn bị khác nhau, có thể làm lễ cúng chay hoặc lễ mặn.

Về cơ bản, mân lễ mặn gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 1 đĩa xôi, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà, 3 chén rượu, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa tươi, và các món thịt, món xào và bát canh tùy vào điều kiện.

Lễ chay gồm có: bánh trái, hoa quả, bộ mũ ông Công ông Táo. Theo truyền thống là có 2 ông 1 bà (mũ ông có cánh chuồn còn mũ bà không có cánh chuồn) và 3 con cá chép.

Việc cúng bái thịnh soạn hay đơn giản quan trọng nhất vẫn là tâm thành, thể hiện đạo lý truyền thống của người Việt Nam.

Trong mâm cúng ông Công ông Táo từ thượng cổ đến bây giờ người ta kiêng không nên cúng thịt chó, thịt trâu, cá mè, vịt, ngan…

Mâm lễ cúng ông Công ông Táo được chuẩn bị tùy vào điều kiện mỗi gia đình

Đồ lễ và vị trí đặt đồ lễ

Việc cúng lễ trong ngày 23 tháng Chạp không đòi hỏi quá cầu kỳ nhưng phải tươm tất.

Hãy thành tâm chuẩn bị ba bộ quần áo, mũ, giày cho ba vị thần. Gồm: 3 chiếc mũ ông công, trong đó hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà, một con ngựa bằng giấy với yên cương đầy đủ.

Màu đỏ cho thần Thổ Công Táo Quân, màu vàng cho Thổ Thần Thổ Địa, màu trắng, hoặc màu xanh cho thần Thổ Kỳ.

Đồ lễ không thể thiếu là cá chép, phương tiện để ông Táo lên chầu trời. Cá chép phải còn sống và thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa rồng" đưa ông Táo về trời.

Vị trí đặt mâm lễ cúng rất quan trọng và không được nhầm lẫn. Cụ thể, có thể đặt mâm lễ cúng Táo quân trên một cái bàn nhỏ, dưới bàn thờ gia tiên hoặc ban thờ Táo quân trong bếp nhưng tuyệt nhiên không được để ở ban thờ Phật.

Ngoài ra, có thể đặt mâm lễ Táo quân ở ngoài trời. Các chuyên gia phong thủy cho rằng, thờ cúng Táo Quân là tín ngưỡng thờ thánh, khác với tín ngưỡng thờ Phật. Do vậy các gia đình đặc biệt lưu ý khi cúng ông Công ông Táo để tránh nhầm lẫn.

Không nên khấn xin tài lộc, sung túc

Ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công ông Táo lên thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng về những việc làm của gia đình, việc tốt việc xấu trong một năm vừa qua. Vì vậy, gia chủ không nên khấn xin tài lộc, sung túc mà chỉ cần thành tâm khấn vái là đủ.

Trong lúc khấn cúng phải giữ tâm thái hoan hỉ vui vẻ để tạo ra năng lượng tích cực trong thờ cúng và tâm linh.

Thả cá chép thế nào cho đúng?

Trong ngày 23 tháng Chạp, cá chép tượng trưng chính cho thần linh. Sau khi cúng lễ và thả cá chép, nên lựa chọn sông hồ rộng để thả, không thả trong ao trong giếng. Khi thả cá chép phải thả từ từ, tránh để cá chết, không được ném cá từ trên cao hoặc ném mạnh.

Đặc biệt, không nên ném cả túi nilon xuống nước để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Theo quan niệm dân gian, trong lễ cúng ông Công ông Táo  không thể thiếu cá chép để làm "phương tiện" cho ông Táo lên chầu trời

Gia chủ mặc thế nào để cúng ông Công ông Táo?

Người thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo phải giữ thân thanh sạch, tắm rửa sạch sẽ trước khi làm thủ tục.. Khi hành lễ ăn mặc chỉn chu, gọn gàng kín đáo không mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn…