Những lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng

ANTD.VN - Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch là cách tốt nhất giúp trẻ phòng tránh bệnh tật. Tuy nhiên, khi đưa trẻ đi tiêm phòng, cha mẹ cần lưu ý những điểm sau: 

Những việc cần làm trước và sau khi tiêm chủng

Tránh cho trẻ ăn hoặc bú quá no hay để trẻ đói bởi điều này có thể sẽ khiến trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm. Cha mẹ cần vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ để hạn chế tình trạng nhiễm trùng. Trước khi tiêm, cha mẹ cần trao đổi với bác sĩ tình trạng sức khỏe của trẻ, tiền sử bệnh tật… Nếu ở những mũi tiêm trước trẻ có dấu hiệu dị ứng, sốt..., mẹ nên báo với bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời.

Sau khi trẻ tiêm chủng xong, không nên đưa trẻ về ngay mà cần ở lại theo dõi 15-30 phút để đề phòng việc trẻ bị sốc phản vệ. Sau 24 giờ tiếp theo, cha mẹ có thể chườm nóng để các vết sưng tấy mau biến mất và nhanh chóng phục hồi. Trường hợp trẻ sốt nhẹ, sốt 37-38 độ C, có thể dùng các biện pháp làm mát, hạ nhiệt. Nếu sốt trên 38 độ C thì dùng thuốc hạ sốt.

Một số phản ứng sau khi tiêm chủng

Một số phản ứng thông thường sau khi tiêm: Sốt nhẹ: phản ứng phổ biến nhất ở trẻ sau khi tiêm phòng; Vết tiêm bị sưng đỏ, đau; Dị ứng: trẻ có thể nổi các vết ban mề đay hoặc ngứa toàn thân… Ở một số trường hợp, trẻ sẽ gặp phải các phản ứng hiếm gặp như tai biến thần kinh, viêm hạch, viêm não... Đây là những phản ứng nặng, có thể đe dọa tính mạng trẻ nếu bố mẹ không kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện.

Khi nào không nên đưa trẻ đi tiêm phòng?

Với vaccine phòng lao thì những trẻ đẻ non, cân chưa đạt yêu cầu, dưới 2,5kg thì tạm thời lùi thời điểm tiêm. Vaccine này được tiêm trong tháng đầu tiên đến 2 tháng tuổi.

Ngoài ra, không nên cho trẻ tiêm phòng khi trẻ đang sốt cao; trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính; đang bị viêm da mủ, hoặc bệnh chàm ngoài da (eczema); trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi, tràn dịch (có nước) màng phổi..., bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính...); trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, nhưng còn đang trong thời kỳ hồi sức. Trong từng trường hợp các bác sĩ sẽ xem xét cụ thể tình trạng của bé và quyết định có nên tiêm ngừa hay không. Trẻ mắc bệnh liên quan đến dị ứng, miễn dịch nên thận trọng khi đi tiêm.

Các trường hợp sau đây vẫn có thể cho trẻ tiêm ngừa: trẻ bị sốt nhẹ; trẻ đang bị tiêu chảy nhẹ; trẻ bị suy dinh dưỡng; trẻ bị ho, chảy mũi… mà hiện không có sốt; trẻ đang mọc răng…

Khi nào đưa trẻ đến bệnh viện?

Nếu trẻ có biểu hiện bất thường sau tiêm, cha mẹ có thể liên hệ với nhân viên tư vấn hoặc cán bộ y tế xã để được tư vấn. Sau tiêm, trẻ có thể sốt 1-2 ngày. Nếu trẻ sốt cao hơn 2 ngày thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời. Một số biểu hiện nặng sau tiêm chủng: sốt cao trên 39 độ C, co giật, chân tay lạnh, tím tái, khó thở, quấy khóc, không đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường, bỏ bú, sưng to, đỏ quanh chỗ tiêm... Khi đó, cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện.

Cần tiêm vaccine đủ liều và đúng lịch

Các loại vaccine tiêm ngừa sẽ phát huy hiệu quả cao nhất nếu trẻ được tiêm đủ liều và đúng theo lịch. Phải chủ động tiêm ngừa trước khi có dịch xảy ra, không nên có dịch bệnh mới đi tiêm ngừa vì như vậy hiệu quả của việc tiêm ngừa sẽ không cao và rất dễ xảy ra tình trạng thiếu vaccine.