Những lưu ý khi đến nơi thờ tự vào dịp đầu năm

ANTD.VN -Đi chùa vào dịp đầu năm đã trở thành nét đẹp đầu xuân của người Việt nhưng không phải ai cũng biết cách thực hành tín ngưỡng đúng quy tắc ở nơi thờ tự.

Đi chùa để tâm an, niệm chính

Đi lễ đầu năm ở các đình, chùa, đền là một trong nghi lễ nhằm “tống cựu nghinh tân” (tiễn cũ đón mới) mà đa phần người dân Việt đều thực hành. Thói quen này từ lâu đã trở thành nét đẹp truyền thống trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

Trước khi đến với chốn thờ tự để cầu mong những điều tốt lành, du khách đều hiểu rằng, chùa là nơi linh thiêng thờ Phật - bậc giác ngộ, là người đem những đức tính từ bi, trí tuệ để giáo hóa chúng sinh. Đền là nơi thờ Thánh nhân như Thánh Mẫu, Tản Viên Sơn Thánh, Tứ phủ công đồng… các bậc thần linh có công lao xây dựng đất nước, bảo hộ nhân dân.

Do vậy, đi lễ Phật đầu năm đúng nghĩa là để tâm an, niệm chính, để tâm hồn có nơi nương tựa, tiếp thêm sức mạnh mỗi khi vướng mắc phải khổ đau, phiền não trong cuộc sống.

Đi lễ Thánh đầu năm đúng nghĩa là để tri ân các Thánh nhân đã có công lao gây dựng đất nước, bảo vệ bờ cõi cũng như hộ trì đời sống bình yên của nhân dân, cầu các ngài phù trì cho quốc gia ngày một hưng thịnh phú cường, nhân dân ấm no hạnh phúc, mùa màng tốt tươi.

Tránh những biến tướng trong thực hành tín ngưỡng

Việc đi lễ đầu năm là một nét đẹp cần được phát huy, bảo tồn và gìn giữ khỏi những biến tướng sai lệch như cá độ đánh bạc, ăn mặc không phù hợp, nhét tiền hoặc đụng chạm một cách suồng sã với Thánh tượng, xả rác bừa bãi nơi linh thiêng.... Mỗi người cần phải hiểu rõ và phát huy nét đẹp trong lễ bái, tri ân Phật Thánh, thần linh.

Bên cạnh các hoạt động đi lễ tại các địa điểm đền, chùa gần nơi cư ngụ, có nhiều gia đình đã chọn đi lễ tại các đền chùa lớn, các di tích mang tính quốc gia. Thời gian này cũng là lễ khai xuân, mở hội tại các di tích danh lam thắng cảnh như Yên Tử, chùa Hương, đền Côn Sơn Kiếp Bạc, đền Trần, đền Mẫu… Vì thế, thực hành tín ngưỡng đúng đắn bằng tinh thần tri ân các bậc tiền nhân tại nơi thờ tự và các lễ hội luôn song hành cùng nhau, hòa quyện và đan xen trong các hành động đẹp, tôn trọng mọi người và thiên nhiên.

Tuy nhiên, trong việc đi lễ đầu năm, không ít du khách đã vấp phải điều cấm kỵ khi dâng lễ vật là đồ mặn. Bởi theo Phật giáo, Phật thánh là những bậc đại giác ngộ, đại phước đức. Các ngài đã chứng đến các cảnh giới cao cho nên các ngài không thọ dụng vật thực như con người. Nếu ở đình đền thờ thần linh, việc dâng lễ mặn có thể được chấp nhận, nhưng riêng ở chùa chiền có thể nói là cấm kỵ. Phật giáo không khuyến khích, cổ suý cho việc cúng bái bằng đồ mặn tại nơi thanh tịnh như ban Phật.

Đến nơi thiêng liêng bằng cái tâm thanh tịnh

Về tiền cúng lễ đầu năm. Cúng tiền vào đền chùa nguyên nghĩa là để của 1 đồng công 1 nén , dùng chút tài vật mình có để góp phần trùng tu, xây dựng cơ sở vật chất và các hạng mục công trình trong đền chùa. Vì không hiểu rõ nên nhiều người đã mất công đổi tiền lẻ rồi đi từng ban nhét vào tay, áo, chân tượng Phật Thánh... Điều này được coi là bất kính với Phật thánh. Du khách nên bỏ tiền vào hòm công đức hoặc đóng góp cho ban hộ tự, hoặc ban ngành quản lý di tích...

Về cách bái lạy thì có thể dùng cách bái lạy mà mỗi cá nhân thường làm, có thể đứng thẳng chắp tay trước ngực rồi lễ xuống khiến trán, 2 cánh tay, 2 đầu gối sát đất. Bên cạnh đó, còn có nhiều cách lễ bái khác như: đứng lễ ,quỳ lễ, cúi vái.... Theo Phật giáo, cách lễ lạy không quan trọng ở hình thức mà quan trọng là người lễ tâm có chân thành và thanh tịnh.