Những kỹ năng, kiến thức cần thiết phòng ngừa ‘giặc lửa’ trong dịp Tết

ANTD.VN - Để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các vụ cháy, nổ xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các hoạt động lễ hội đầu năm 2019 trên địa bàn Thành phố, CATP Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân những kiến thức và kỹ năng hết sức cần thiết.

Những kỹ năng, kiến thức cần thiết phòng ngừa ‘giặc lửa’ trong dịp Tết ảnh 1

Nguyên tắc quan trọng là phòng bao giờ cũng tốt hơn chống "giặc lửa" 

Đối với các chủ hộ gia đình và người dân

Cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt: khi đun nấu, thắp hương thờ cùng, thắp nến, đốt vàng mã..., sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, hàn cát...(gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt) phải có người trông coi

Bố trí nơi thắp hương, thờ cúng phải đảm bảo an toàn PCCC như: - Bát hương phải kê, đặt trên các thiết bị không cháy hoặc khó cháy; đồ thắp hương dễ cháy (như vàng mã) phải để xa bát hương; khi thắp hương phải có người trông coi đến khi hết tàn hương.

Hóa vàng mã phải đúng nơi quy định:

- Không đốt vàng mã trong nhà ở, hành lang, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, trên vỉa hè các tuyến phố, nơi tập trung đông người và phương tiện tham gia giao thông qua lại.

Trước khi đốt vàng mã phải chọn nơi kín gió, hoặc sử dụng lư hương, có các biện pháp che chắn tránh gió cuốn tàn lửa sang các khu vực xung quanh gây cháy (lư hương hoặc đỉnh phải làm bằng vật liệu không chảy để đốt vàng, mã và đặt cách xa hàng hóa dễ cháy ít nhất 2m).

- Khi đốt vàng mã phải có người trông coi đến khi không còn tàn lửa, bố trí bình chữa cháy hoặc xô chứa nước.

- Đốt xong để nguội hẳn mới đổ tro.

Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như: tủ điện, ổ cắm điện...) ít nhất 0,5m;

Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, sân thượng, lên mái sang nhà bên cạnh;

Khi xảy ra cháy trong hộ gia đình, hãy thật bình tĩnh để xử lý tình huống, hô hoán báo động cho tất cả mọi người trong nhà biết để mau chóng di chuyển ra ngoài. Khi phải thoát qua khu vực có khói, lửa phải dùng mặt nạ phòng độc hoặc khăn, giẻ mềm thấm nước để che chắn mặt, cơ thể; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh..., đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho Cảnh sát PCCC&CNCH theo số máy 114.

Hướng dẫn sử dụng thiết bị điện an toàn

Từng hộ gia đình, cửa hàng kinh doanh chủ động thường xuyên tự kiểm tra an toàn hệ thống điện (đường dây dẫn điện từ hòm công tơ về đến nhà, đường dây điện trong nhà, các thiết bị tiêu thụ điện như: máy điều hòa, lò vi sóng, bình nóng lạnh, quạt, bếp điện, ấm điện, bàn là, nồi cơm điện, ti vi, tủ lạnh, lò sấy,...các thiết bị bảo vệ như aptomat, cầu dao, cầu chì,...); kịp thời thay thế đường dây dẫn điện, thiết bị bảo vệ phích cắm, ổ cắm, các thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn.

Việc đốt vàng mã tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn

Vật tư, phương tiện, hàng hóa trong nhà, cửa hàng phải sắp xếp gọn gàng, không cản trở các lối ra vào; không để quần áo, gỗ, giấy, xốp cách nhiệt sát phía trên, dưới hoặc đè lên đường dây điện, các thiết bị bảo vệ và các thiết bị tiêu thụ điện.

Sử dụng hệ thống điện phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà..;

Không được câu móc điện, không sử dụng giấy bạc hoặc dây kim loại thay thế cầu chì bị đứt, aptomat bị hỏng, không cắm nhiều phích cắm trên 1 ổ cắm. Các mối nối phải chắc, gọn, so le, quấn bằng vật liệu cách điện.

Không treo biển quảng cáo, mái che, mái vây, xây dựng nhà và công trình lấn chiếm vi phạm hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp.

Mỗi hộ gia đình, cửa hàng kinh doanh cần trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy, 1 xô chứa nước (20 lít).

Khi xảy ra cháy, phải bình tĩnh, nhanh chóng cắt điện (cầu dao, aptomat) khu vực cháy, hô hoán cho mọi người biết, sử dụng bình chữa cháy, xô, chậu, khăn chiên thấm ướt để chữa cháy và thoát nạn, gọi điện thoại cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số 114, chính quyền, công an địa phương nơi gần nhất./.

Hướng dẫn sử dụng gas an toàn

Bình/chai chứa gas đặt thẳng đứng, nơi thông thoáng, không đặt cạnh các nguồn khí nén khác và cách xa nguồn nhiệt 1m. Các mối nối giữa dây với van, bếp phải chặt và kín.

Không tự ý tháo dỡ các phụ kiện của bình/chai chứa gas, không dùng lực quá mạnh để đóng hoặc mở van bình/chai chứa gas.

Không để thiết bị sử dụng gas đè lên dây dẫn gas hoặc để dây dẫn gas gần nguồn nhiệt.

Luôn vệ sinh sạch sẽ bếp, dây dẫn gas, van bình nhằm tránh động vật gặm, cắn dây. Thường xuyên kiểm tra việc rò, rỉ khí gas bằng nước xà phòng, tuyệt đối không được dùng bật lửa, diêm soi dò tìm chỗ hở. Luôn khóa van cổ bình khi không sử dụng

Biện pháp xử lý khi phát hiện rò, rỉ khí gas:

Tuyệt đối không làm phát sinh tia lửa như: Bật/tắt công tắt điện, quạt điện, sử dụng điện thoại di động. Ngay lập tức khóa van cấp gas.

Mở thông thoáng các cửa, dùng quạt thủ công để làm loãng khí gas.

Nếu thấy chỗ rò, rỉ thì dùng vải lướt quấn quanh chỗ rò, rỉ hoặc dùng xà phòng bánh để bịt lỗ rò rỉ tạm thời.

Nếu xảy ra sự cố khi đang sử dụng phải dùng chăn ướt phủ lên bếp hoặc bình cho tắt lửa hoặc dùng bình chữa cháy phun dập tắt lửa.

Báo ngay cho nhà cung cấp đến xử lý...

Khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC khi hàn cắt kim loại

Đối với người đứng đầu cơ sở

Trước hết, đối với người quản lý cơ sở cần nêu cao ý thức và trong công tác PCCC nói chung và khi tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị, cấu kiện xây dựng tại cơ sở của mình quản lý.

Ban hành nội quy, quy định về an toàn PCCC, quy định an toàn trong quá trình hàn cắt kim loại, tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCCC và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các quy định.

Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn PCCC khi hàn, cắt, kết hợp với các buổi phổ biến kiến thức an toàn PCCC và an toàn vệ sinh lao động theo định kỳ đối với cán bộ, công nhân viên của mình.

Sử dụng thợ hàn có trình độ tay nghề tốt, vừa đảm bảo chất lượng công việc vừa tạo sự an toàn lao động và an toàn cháy nổ khi làm việc.

Khi phải hàn ở khu vực có chứa chất dễ cháy, nổ, phải tạm dừng sản xuất, tổ chức cách ly vật liệu cháy ra khỏi khu vực sửa chữa, cắt cử người hoặc trực tiếp giám sát suốt quá trình hàn. Sau khi đã hàn xong (trong thời gian ít nhất 30 phút), phải chuẩn bị sẵn các phương tiện chữa cháy như bình chữa cháy xách tay, chăn chiên, xô nước, xẻng, phi cát tại khu vực hàn để xử lý kịp thời nếu có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Đối với thợ hàn

Phải được tập huấn về nghiệp vụ PCCC&CNCH , biết sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy để dập tắt đám cháy từ khi mới phát sinh.

Có tay nghề đã qua đào tạo về an toàn trong quá trình hàn, cắt.

Thợ hàn trước khi hàn cần trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ cá nhân như găng tay, kính bảo vệ mắt; kiểm tra, sắp xếp gọn gàng khu vực hàn; kiểm tra các phương tiện chữa cháy ban đầu như nước, bình chữa cháy.

Kiểm tra kỹ mỏ hàn, bộ giảm áp, ống dẫn khí, vị trí nối giữa mỏ hàn với ống nối và chai chứa khí. Trong khi hàn không mang các thiết bị, mỏ hàn ra khỏi khu vực giành riêng cho thợ hàn. Nếu giải lao cần khóa tất cả van dẫn khí, ngắt nguồn điện đối với máy biến áp hàn, thu dọn gọn gàng dụng cụ và cấm người ngoài vào khu vực hàn hoặc sử dụng bất kỳ thiết bị nào phục vụ quá trình hàn.

Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chố, đồng thời gọi điện cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số 114 và chính quyền, Công an nơi gần nhất.