Những hiểu lầm "tai hại" về bệnh tiểu đường

ANTD.VN - Tiểu đường là một bệnh nguy hiểm, có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Tuy vậy, nhiều người còn có những hiểu biết chưa đúng về căn bệnh này. 

Ăn nhiều đường có thể gây bệnh tiểu đường

Rất nhiều người nghĩ rằng ăn quá nhiều đường hay đồ ngọt sẽ bị bệnh tiểu đường (bệnh đái tháo đường). Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng.

Ăn nhiều đường không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh tiểu đường

Ở những người khỏe mạnh, khi ăn thức ăn giàu tinh bột sẽ làm đường trong máu tăng cao sau ăn, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra nhiều insulin để đưa đường glucose từ máu và tế bào và giữ cho lượng đường trong máu luôn ổn định.

Tuy nhiên nếu insulin tiết ra không đủ hay tác dụng của insulin bị giảm khiến lượng đường trong máu tăng cao, gây ra bệnh tiểu đường. Do đó đường không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên nếu ăn quá nhiều đường và các thức ăn ngọt sẽ dễ bị thừa cân, béo phì – một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường không nghiêm trọng đến thế

Tiểu đường có thể là một căn bệnh rất thầm lặng với rất ít triệu chứng khi giá trị đường huyết tăng vượt quá mức bình thường, nhưng tổn thương mắt, thận và dây thần kinh vẫn có thể xảy ra ngay cả khi mức này thấp. Do đó, một phần trong quản lý bệnh là đảm bảo bệnh được phát hiện. Đường huyết cao có thể gây tổn thương cho nhiều cơ quan như thận, dây thần kinh, mắt và tim.

Những người có cân nặng bình thường sẽ không bị bệnh tiểu đường

Mặc dù tăng nguy cơ bệnh tiểu đường thường được thấy với chỉ số BMI trên 25, nhưng giờ đây chúng ta biết rằng có một số nhóm sắc tộc/chủng tộc có nguy cơ cao hơn với chỉ số BMI thấp hơn. Những yếu tố nguy cơ khác bao gồm tiền sử gia đình và tuổi tác. Phần lớn những người thừa cân không bao giờ phát triển bệnh tiểu đường týp 2, và nhiều người bị bệnh tiểu đường týp 2 có cân nặng bình thường hoặc chỉ thừa cân vừa phải.

Chỉ có người lớn mới mắc bệnh tiểu đường

Tiểu đường không chỉ là bệnh của người lớn, mà ngay cả trẻ em cũng có nguy cơ mắc phải

Thực tế cho thấy ngày nay, trẻ em từ 5 tuổi trở lên là đã có thể được chẩn đoán với bệnh tiểu đường type 2. Đó là một sự thay đổi lớn so với 20-30 năm trước đây. Để giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em, cha mẹ nên cố gắng khuyến khích những thói quen tốt cho cả gia đình.

Triệu chứng bệnh tiểu đường rất rõ ràng

Hầu hết các triệu chứng của bệnh tiểu đường rất kín đáo. Chúng đến từ từ và mọi người thường quy chúng do tuổi già hoặc làm việc vất vả. Các triệu chứng cần xem xét bao gồm đi tiểu nhiều và khát nước, mệt mỏi, da khô hoặc ngứa. Tất cả những triệu chứng này đều rất không rõ ràng và có thể trùng với những vấn đề sức khỏe khác, vì vậy cách tốt nhất để phát hiện bệnh tiểu đường là thực hiện xét nghiệm sàng lọc như đường huyết lúc đói và HbA1c.

Tiểu đường là một “bản án tử hình” đối với người bệnh

Trên thực tế, với những tiến bộ không ngừng của y học hiện đại, bệnh tiểu đường ngày càng được kiểm soát hiệu quả.

Bệnh tiểu đường có thể được kiểm soát hiệu quả nếu người bệnh tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với tập luyện thể dục thường xuyên sẽ giúp người bệnh hạn chế được các triệu chứng khó chịu, làm chậm tiến triển của bệnh.

Bệnh nhân tiểu đường không được ăn đường

Bệnh nhân tiểu đường loại 2 không nhất thiết phải kiêng đường một cách nghiêm ngặt. Điểm mấu chốt là phải ăn đường điều độ. Thức ăn ngọt chỉ nên chiếm một phần nhỏ trong chế độ ăn hằng ngày của họ, phần còn lại phải là ngũ cốc nguyên hạt, rau cải và thịt nạc giàu protein.

Với tiểu đường loại 1 thì phức tạp hơn, người bệnh phải biết cách điều chỉnh liều tiêm insulin tiếp theo sao cho phù hợp với lượng thực phẩm ăn vào, theo Reader’s Digest.