Những "hạt sạn" trong đề thi Toán của Kỳ thi THPT Quốc gia 2018

ANTD.VN - Nhận định về đề thi Toán THPT Quốc gia 2018, tổ bộ môn Toán của Hệ thống giáo dục HOCMAI đã chỉ ra những "hạt sạn" là đầy tính hàn lâm và tính toán, thiếu sáng tạo và các câu hỏi vận dụng thực tiễn chưa tạo được hứng thú cho thí sinh.

Chiều ngày 26-6, các thí sinh đã hoàn thành bài thi môn Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, trong đó, đa phần các em đều "than" đề thi khó và dài, thậm chí có nhiều em vừa bước ra phòng thi đã bật khóc vì không làm hết bài thi.

Đề thi hàn lâm và quá nặng tính toán

Theo các thầy cô trong Tổ Toán của Hệ thống giáo dục HOCMAI, mặc dù đề thi năm nay có tính phân hóa rất tốt nhưng lại nặng tính hàn lâm bởi vì các câu hỏi chủ yếu hỏi thuần túy về kiến thức Toán học, không có nhiều câu hỏi liên quan đến thực tiễn. Theo thống kê của tổ bộ môn, có hơn 90% các câu hỏi trong đề đều mang tính hàn lâm (ngoại trừ các câu hỏi vận dụng thực tiễn). Ngoài ra, các câu hỏi có lồng ghép yếu tố thực tiễn yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề rất ít, nội dung thì gượng ép.

Cùng với đó, đề có quá nhiều các câu hỏi nặng về mặt tính toán. Ví dụ: Câu số 37, câu 42, câu 44, câu 46, câu 48, câu 50 của mã đề 105 là những câu hỏi yêu cầu các bước giải dài, chi tiết để tìm ra đáp án, thường chỉ gặp trong thi tự luận. Đối với trắc nghiệm, thí sinh chắc chắn không đủ thời gian để làm trọn vẹn. Riêng câu số 46 mã đề 105 là một câu cực khó, dù là dạng toán quen nhưng khó định hướng được hướng giải cụ thể và bản thân các giáo viên cũng mất cả tiếng đồng hồ để giải quyết triệt để yêu cầu của câu hỏi.

Tôi thấy rất nhiều giáo viên than rằng đề này vừa sức với... giáo viên làm trong 120 phút, có thể chỉ là lời than vãn không chính thống của một số giáo viên, nhưng đây cũng chính là vấn đề mà Bộ cần quan tâm” - thầy Lưu Huy Thưởng - giáo viên luyện thi môn Toán - bày tỏ.

Hiện nay, Bộ đang triển khai đổi mới phương pháp dạy và học theo định hướng năng lực, phẩm chất bằng việc ban hành các công văn hướng dẫn việc điều chỉnh hoạt động dạy và học trong giai đoạn quá độ trước khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, thực tế đề thi Toán năm 2018 chưa thể hiện được tinh thần đổi mới này.

Đề thiếu sáng tạo, câu hỏi vận dụng thực tiễn “nhạt”

Năm 2017, đề Toán được chia thành 24 mã đề từ 4 đề gốc khiến nhiều chuyên gia nhận định là có độ vênh nhất định về độ khó giữa các mã đề. Khắc phục nhược điểm này, năm nay Bộ ra 24 mã đề khác nhau nhưng lại vấp phải mô hình câu hỏi giống hệt nhau bằng cách chỉ thay số, không có dạng mới so với các năm trước. Ví dụ: Tất cả các mã đề từ 101 đến 124, đề nào cũng có 4 câu về bài toán thực tế với các chủ đề: Bài toán lãi suất, bài toán bút chì, bài toán vận tốc, bài toán bể cá. Sự khác nhau duy nhất nếu có chỉ là số liệu khác nhau. Câu hàm hợp (câu 38 mã 124); câu xác suất (câu 40 mã 124); câu tích phân (câu 45 mã 124)… thì đề nào cũng giống hệt nhau, chỉ khác nhau là những con số.  

Những "hạt sạn" trong đề thi Toán của Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ảnh 1

Câu 30, 31 - một trong những câu hỏi vận dụng thực tiễn trong đề thi Toán THPT QG 2018

Bên cạnh đó, các bài toán vận dụng thực tiễn cho về các vấn đề chung chung, vốn đã rất quen thuộc với các em học sinh từ những năm tiểu học, THCS thì chưa thể tạo sự hứng khởi có các thí sinh. Điều này thể hiện ở tất cả các mã đề đều chỉ là các câu hỏi về bài toán lãi suất, bài toán bút chì, bài toán vận tốc, bài toán bể cá mà chưa chú trọng đến những vấn đề thực tiễn thời sự.

TS. Lê Anh Tuấn, giảng viên khoa Khoa học cơ bản, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhận xét: “Tại sao các bài toán gắn với nội dung của chính cuộc sống hiện tại bây giờ lại không có, ví dụ như câu về bài toán vận tốc (Câu 30- mã đề 124), vẫn là bài toán vận tốc như vậy nhưng sao không gắn với chuyển động của các xe ô tô của lực lượng Phòng cháy chữa cháy đi làm nhiệm vụ chữa cháy năm 2018?”.

Các câu hỏi thực tế trong đề chiếm tỉ lệ rất ít, mỗi đề tổng số 4/50 câu (khoảng 8%) và cũng chưa được đầu tư đúng mức. Đây cũng là một trong những hạn chế của đề thi năm nay, nếu đề thi đặt ra những vấn đề thời sự và mang tính thực tiễn cao, thì sẽ khơi dậy niềm đam mê học toán cho các thí sinh.

Nhìn chung, đề ra bám chắc kiến thức trong sách giáo khoa nhưng nếu các thí sinh chỉ học theo sách giáo khoa thì sẽ chỉ đạt ở mức 5-6 điểm, bởi đề thi đi quá sâu về tính toán và tư duy, chỉ những thí sinh có đầu tư học và ôn luyện các sách tham khảo, học nâng cao mới có thể đạt hoặc vượt ngưỡng 7 điểm.