Những đồ vật không thể thiếu trong lễ cúng ông Công ông Táo

ANTD.VN - Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 23 tháng Chạp (23 – 12 âm lịch), người dân cả nước lại tất bật chuẩn bị đồ cúng lễ để tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây như một nét văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Mỗi gia đình đều có quan điểm về mâm cúng lễ khác nhau, người thích nhẹ nhàng – thanh đạm, người thích cầu kỳ – sặc sỡ. Nhưng dù cầu kỳ hay đơn giản thì mâm cúng lễ cũng không thể thiếu những thứ sau đây.

Lễ vật

Theo phong tục truyền thống, lễ vật để cúng Táo công bao gồm những đồ “vàng mã” như mũ (2 chiếc Táo ông và 1 chiếc Táo bà), áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy. Lưu ý rằng, mũ dành cho các Táo ông sẽ có hai cánh chuồn chải dọc hai bên, còn mũ Táo bà thì không có cánh chuồn mà thay vào đó là một hình tượng trưng khác.

Lễ vật bao gồm các loại vàng mã như mũ, áo, hia và một số vàng thoi

Những đồ vật này thường được bài trí một cách tỷ mỷ, khéo léo với các gương nhỏ hình tròn tinh tế, các họa tiết hoa văn được thiết kế nổi bật, điểm xung quanh là những dây kim tuyến lấp lánh vô số sắc màu. Sau khi làm lễ xong, gia chủ sẽ hóa (đốt) những đồ vật này cùng với bài vị cũ, và sau đó, người ta sẽ lập bài vị mới cho Táo Công để mong cầu những may mắn sẽ đến trong năm tiếp theo.

Mâm cỗ đầy đủ

Người Việt có quan niệm rằng, mâm cỗ tượng trưng cho tấm lòng, nên thường chuẩn bị lễ cúng rất thịnh soạn và chu đáo. Điều này thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc. Cùng với đó là lời nguyện cầu những điều tốt đẹp sẽ đến với đại gia đình mình trong năm mới; còn những điều xui xẻo, không may mắn sẽ theo gió cuốn đi, hoặc vứt bỏ ở năm cũ.

Người Việt thường chuẩn bị lễ cúng rất thịnh soạn và đầy đủ với mong muốn mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới

Mâm lễ cúng Táo công không nhất thiết phải quá sang trọng, cầu kỳ mà quan trọng nhất, phải thể hiện được tấm thành kính của gia chủ. Dựa vào hoàn cảnh gia đình, người ta có thể chọn làm lễ mặn hay lễ chay và tất nhiên, cả hai phương thức này đều phù hợp trong ngày tế Táo.

Lễ mặn bao gồm các món như chân giò luộc, xôi, nem, thịt lợn, cá luộc, rau, canh măng xương,… Với những gia đình có trẻ nhỏ, người ta thường cúng thêm một con gà luộc, loại gà cồ mới lớn để mong cầu đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, bình an, kiên cường và nhiều nghị lực sống. Còn lễ chay thì đơn giản hơn rất nhiều, chủ yếu là các loại trái cây, hoa, trầu cau, bánh, kẹo, nước trà...

“Phương tiện” đưa Táo về chầu trời

Người xưa có quan niệm “cá hóa long” tức là cá sẽ biến thành Rồng để đưa ông Táo về trời. Vì thế, vào những ngày này, người ta thường mua cá chép hay cá vàng còn sống để thả ra ao, hồ hay sông sau khi làm lễ xong.

  Những đồ vật không thể thiếu trong lễ cúng ông Công ông Táo ảnh 3

Thả cá chép để tiễn ông Công ông Táo về trời cần đúng cách

Các gia đình nên chọn mua 3 con cá chép đỏ, nhỏ nhưng khỏe mạnh, lành lặn (không chột mắt, đứt vây, hòng đuôi...) mang về để trong chiếc thau nước sạch. Sau khi cúng xong thì mang ra sông hồ thả. Cần chọn môi trường nước rộng, không ô nhiễm để cá có thể sinh tồn. Cách thả cũng rất quan trọng, từ tốn thả cá ra từ thau. Không ném từ trên bờ hồ, trên thành cầu, nhất là không để nguyên trong túi ni-lon khiến cá chết.

Lễ cúng ông Công ông Táo là việc khá quan trọng trong năm. Vì vậy bạn hãy thực hiện đúng, để những điều may mắn nhất lại sẽ đến với gia đình vào năm Canh Tý.