- Báo cáo kế hoạch sử dụng biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021
- Thống nhất điều chỉnh tăng tiền lương với lái xe buýt thường và buýt nhanh BRT
Hà Nội rà soát danh sách các nhóm đối tượng lao động tự do trên địa bàn
Theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian từ ngày 01/4/2020 đến ngày 30/6/2020; Cư trú hợp pháp tại địa phương;
Thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, trong quá trình triển khai, rà soát, thống kê đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động (hay còn gọi là lao động tự do) bị mất việc làm, người dân băn khoăn nhiều về việc tại sao có 3 nhóm đối tượng lao động và việc xác định các nhóm đối tượng này.
Trước thực tế này, Bộ LĐ-TB&XH đã có hướng dẫn cụ thể về đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm ở các lĩnh vực, để việc triển khai được chính xác.
Theo đó, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao gồm người làm nghề massage, xoa bóp y học, châm cứu không có địa điểm việc làm cố định; người lao động làm việc tại các hộ kinh doanh có đăng ký hoạt động xoa bóp y học, massage, châm cứu.
Lao động bốc vác, vận chuyển hàng hóa gồm: Người làm công việc bốc vác hàng hóa tại các ga đường sắt, cảng sông, cảng biển, cảng hàng không và tại các chợ; người thực hiện vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ, xe mô tô hai bánh, xe xích lô, xe ba gác, xe đẩy tại các chợ, các ga đường sắt, cảng sông, cảng biển và cảng hàng không.
Lao động tự do làm trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú gồm: Dịch vụ lưu trú ngắn ngày (khách sạn; căn hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày; nhà khách, nhà nghỉ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày; nhà trọ, phòng trọ và các cơ sở ngắn ngày tương tự); Cơ sở lưu trú khác (ký túc xá học sinh, sinh viên; chỗ nghỉ trọ trên xe lưu động, lều quán, trại dùng để nghỉ tạm, cơ sở lưu trú khác).
Đối với lao động tự do làm trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống gồm có nhà hàng, quán ăn, quán ăn tự phục vụ, quán ăn nhanh, cửa hàng bán đồ ăn mang về, hàng ăn uống trên phố, trong chợ, xe bán hàng ăn uống lưu động; Quán rượu, bia, quầy bar; quán cà phê, giải khát; dịch vụ phục vụ đồ uống khác.
Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ hàng tháng. Thời gian mất việc làm từ 15 ngày trở lên đươc tính là 1 tháng, dưới 15 ngày thì không được tính.