Những cơn bão khủng khiếp nhất trên Biển Đông trong 15 năm qua

ANTD.VN - Trong những năm qua, rất nhiều cơn bão đã đổ bộ vào nước ta, trong đó có những cơn bão khủng khiếp gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Có thể kể đến, đó là bão Chanchu, bão Xangsane, bão Sơn Tinh, bão Hải Yến và bão Mirinae.

Bão Chanchu năm 2006

Cơn bão được hình thành ngày 8-5 ngoài khơi Philippines. Ngày 13-5, bão đi qua Philippines và đổ bộ vào Biển Đông theo hướng Tây - Tây Bắc với sức gió tăng từ cấp 10 lên 12, giật trên cấp 12. Cho rằng bão sẽ đổ bộ vào đất liền Việt Nam, hơn 29.000 phương tiện trên biển, trong đó khoảng 1.000 tàu đánh bắt xa bờ được kêu gọi về nơi trú ẩn. Nhiều tàu thuyền đã chạy vào neo đậu trong lòng chảo đảo Đông Sa. Tuy nhiên, đến ngày 15-5, bão đột ngột chuyển hướng Bắc và sau đó là Bắc - Đông Bắc và càn quét vào trúng nơi trú ẩn của ngư dân đánh bắt xa bờ ở Bắc Biển Đông.

Hướng đi thay đổi đột ngột của bão Chanchu năm 2006

Số người chết và mất tích được thông báo tăng dần sau mỗi ngày, mỗi giờ trong sự bàng hoàng của gia đình các ngư dân.

Cơn bão Chanchu đã cướp đi sinh mạng của 266 người dân miền Trung, trong đó có hơn 150 ngư dân Quảng Nam, chỉ 20 thi thể được tìm thấy, số còn lại mãi mãi nằm dưới lòng biển.

Bão Chanchu gây hậu quả vô cùng nặng nề về người

Bão Xangsane năm 2006

Cơn bão hung dữ Xangsane đổ bộ vào các tỉnh miền Trung vào ngày 1-10-2006. Đây là một cơn bão rất mạnh được hình thành từ vùng biển phía đông quần đảo Philippines. Khi vào Biển Đông, cơn bão Xangsane trở thành cơn bão số 6 trong năm 2006.

Nhiều căn nhà tốc mái do bão

Bảo Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng, một phần Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế gây tổn thất nặng nề về người và tài sản. 69 người chết và mất tích. 273.744 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng.

Do thiệt hại nặng nề do cơn bão gây ra, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho Đà Nẵng 30 tỷ đồng; Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam mỗi tỉnh 20 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương này cũng nhận được sự giúp đỡ của đồng bào trong và ngoài nước.

Bão Sơn Tinh năm 2012

Bão Sơn Tinh năm 2012 có đặc điểm tốc độ di chuyển ban đầu rất nhanh lên tới 25-30 km/h, các chuyên gia khí tượng khi đó đánh giá là “cơn bão nhanh nhất trong gần 10 năm qua”.

Ngày 23-10-2012, bão Sơn Tinh đổ bộ vào đất liền. Các tỉnh thiệt hại nặng nề là Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng… Tháp truyền hình Nam Định, tháp truyền hình cao nhất miền Bắc Việt Nam bị bão quật đổ. Ngày 28-10-2012, bão đã gây ra sóng lớn đánh sập hoàn toàn 330m đường đê chắn sóng nối đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La, thuộc Khu kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Sóng lớn ảnh hưởng tới hệ thống đê điều

Bão Sơn Tinh năm 2012 đi qua, thống kê cho thấy ít nhất đã có 3 người chết, 7 người mất tích và 5 người bị thương. Thiệt hại do bão là hơn 7.500 tỷ đồng

Bão Hải Yến (Haiyan) năm 2013

Bão Hải Yến (Haiyan) là cơn bão mạnh nhất năm 2013 và là 1 trong 4 siêu bão mạnh nhất lịch sử.

Sau khi gây ra thảm họa ở Philippines cướp đi sinh mạng khoảng 6.000 người, cơn bão "hủy diệt" Haiyan vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 14 trong năm 2013. Khi vào Biển Đông, siêu bão Haiyan mạnh cấp 17 và di chuyển rất nhanh.

Người dân cần sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ

Trước những cảnh báo về sức tàn phá của siêu bão Hải Yến, nhiều tỉnh miền Trung đã lên phương án sơ tán dân. Nhưng sau đó, bão Hải Yến đột ngột thay đổi hướng di chuyển lên phía Bắc, càn quét qua vùng biển các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình và đổ bộ vào Hải Phòng- Quảng Ninh khiến 13 người chết, 81 người bị thương.

Bão Mirinae năm 2016

Bão Mirinae được đánh giá là cơn bão không mạnh, nhưng gây thiệt hại vật chất rất lớn ở các tỉnh miền Bắc. Bão Mirinae được hình thành vào sáng ngày 26-7-2016. Dự báo ban đầu cơn bão này sẽ đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng. Tuy nhiên, sau đó bão đã thay đổi hướng di chuyển, đổ bộ vào tỉnh Nam Định.

Nhiều cây to bật gốc do gió mạnh

Bão Mirinae đã khiến một ngư dân Thanh Hóa mất tích và 8 người bị thương, hơn 1.400 nhà bị tốc mái, 12 tàu chìm. Hàng trăm cột điện cao thế ở nhiều tỉnh thành bị đổ gây nên sự cố mất điện toàn tỉnh tại ba tỉnh Nam Định, Hà Nam và Thái Bình. Bão cũng làm các tỉnh "điêu đứng" với hơn 196.000 ha lúa bị ngập, nặng nhất là Nam Định gần 78.000 ha, Thái Bình 50.000 ha. Gần 21.000 diện tích rau màu bị hư hại; hơn 5.000 cây bị gãy đổ, trong đó nhiều nhất ở Hà Nội, nhiều ôtô bị hư hỏng do cây bật gốc đè trúng.