Những cái chết không báo trước

ANTĐ - Gần đây, liên tục xảy ra những vụ việc vợ (chồng) giận nhau lại trút hận lên những đứa con. Hậu quả là có trẻ được cấp cứu kịp thời nhưng sức khỏe cũng ảnh hưởng. Có trẻ mãi mãi ra đi và không thể biết, tại sao cha mẹ lại nỡ hạ sát mình khi chúng không hề có lỗi. 

Hơn cả hổ dữ

Đầu tháng 7, bị can Lê Thị Ngân (SN 1981, trú tại Yên Thành, Nghệ An) đã cho thuốc diệt cỏ vào sữa để ép 3 con cùng uống. Rất may, người chồng đã phát hiện kịp thời, nên cả 4 mẹ con thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Trước đó, suốt một thời gian dài, Ngân đã phải chịu sự đánh đập của người chồng, lại nghe tin chồng đi lại với người đàn bà khác. Chán nản, phẫn uất, đau khổ, Ngân đã tìm đến cái chết. Đồng thời, Ngân cũng không muốn các con khổ nên muốn “đưa” các con đi cùng mình. 

Vào tháng 6, tại phường Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) cũng xảy ra vụ mẹ cho con cùng uống thuốc độc tự tử. Nhưng chỉ có người mẹ được cứu sống còn cô con gái 3 tuổi đã không qua khỏi. Còn tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), Lương Ngọc Quân trong cơn giận vợ, cũng đã pha thuốc rầy vào sữa cho con trai uống, rồi rạch tay tự tử. Kết quả, con chết, bố sống và đối mặt với án tù. 

Rất nhiều người đã lên án gay gắt hành động “ác hơn hổ dữ” của những người này. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương: “Đó là những giọt nước tràn ly của những đau khổ, khó khăn, mâu thuẫn tích tụ không biết chia sẻ với ai. Những cái chết chính là một lời kêu cứu vì tuyệt vọng, vì cô độc, vì sự thờ ơ của những người xung quanh kể cả người thân, xóm giềng hay chính quyền địa phương”.

Theo phân tích của ông Tuấn, hành động tự sát hoặc giết cả con rồi tự sát theo vì bất cứ lý do gì, cũng do nhân cách của người đó quá yếu, thiếu nghị lực, dễ bị xúc động. Họ hành xử nặng về cảm xúc mà thiếu lý trí, đặc biệt là nữ giới. Họ cho rằng cái chết của mình là một sự trừng phạt đích đáng dành cho người chồng (hoặc vợ). Còn việc họ giết con vì nghĩ rằng đó là con của chồng (vợ) nên mình giết con, chồng (vợ) sẽ đau khổ hơn. Phụ nữ cũng thường lo lắng nếu mình chết, con mình sẽ khổ nên chọn cho con “cái chết nhân đạo” và mình “ra đi thanh thản”. 

Những người quá yếu đuối và có hành động dại dột thường có trình độ học vấn thấp, cuộc sống bị cô lập, khi đau buồn không biết chia sẻ cùng ai. Họ cũng có thể yêu bản thân đến độ không chịu nổi sự xúc phạm nên giận dữ và làm bất cứ điều gì để thỏa mãn cơn giận của họ mà không thấy được việc mình làm gây tai họa thế nào cho những người thân yêu. 

Dấu hiệu “thần chết”

Ông Tuấn cho biết, có thể nhận biết trước những nguy cơ về án mạng, về sự hủy hoại bản thân. Đó là khi mâu thuẫn vợ chồng kéo dài, bạo lực gia đình leo thang (có thể là từ hai phía), khiến cho căng thẳng tích tụ và trầm cảm kéo dài khiến cho vợ (chồng) cảm thấy mệt mỏi, chán nản, vô vọng và không lối thoát. Cùng với đó là sự ít chia sẻ, ít người giúp đỡ nên họ càng chìm trong khủng hoảng và dẫn đến các suy nghĩ tiêu cực. Đối với những vụ việc giết con rồi tự tử thì phụ nữ thường “chủ mưu” nhiều hơn. Vì họ thường yếu đuối, nhịn nhục hơn, đồng thời các hành vi của họ cũng thường hướng nội nên tâm lý càng trì trệ, thiếu lối thoát. 

Theo chuyên gia tư vấn Trịnh Trung Hòa, nếu như gia đình triền miên đối mặt với bạo lực, xung đột kéo dài, cộng với những mệt mỏi về bệnh tật, lo lắng về tiền bạc thì mọi người dễ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần và dẫn tới các hành động dại dột, gây tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của chính mình cũng như người thân. “Tuy nhiên, mọi người lại không thấy rằng việc cãi cọ, xung đột là một nguy cơ, thậm chí đến mức suy sụp, ốm đau cũng vẫn không có các giải pháp để cởi gỡ” - ông Hòa cho biết. 

Tiến sĩ, bác sỹ Ngô Thanh Hồi - Giám đốc bệnh viện Tâm thần Mai Hương (Hà Nội) cho biết, sức khỏe tâm thần chi phối các hoạt động của con người, nếu vui buồn, cáu giận, đau đớn quá ngưỡng dễ khiến làm tâm thần suy sụp, gây ra những hành động rối loạn, bất bình thường, đặc biệt dễ có xu hướng làm tổn thương đến mình và người thân. 

Người thân cũng không nên coi thường những lời dọa “tự sát” mà nên tìm cách chia sẻ để giải tỏa ức chế cho họ, đồng thời phải liên tục để mắt tới, thậm chí có các biện pháp khéo léo cách ly những đứa con để họ không có cơ hội làm hại. Có thể vì vẫn còn lo lắng cho tương lai của con, người phụ nữ lại không dám có hành động tự sát liều lĩnh. 

“Hơn 10% dân số có các rối loạn liên quan đến sức khỏe tâm thần. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là các rối loạn có liên quan đến stress chiếm 4 - 6%; rối loạn cảm xúc nặng chiếm 3 - 5%, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên là 3,7%, bệnh động kinh: 0,3 - 1,5%...” - Tiến sĩ Ngô Thanh Hồi cho biết.