Những ca tử vong thương tâm do sốc phản vệ thuốc kháng sinh

ANTD.VN - Sáng ngày 23-8-2019, một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đã bất ngờ tử vong sau khi tiêm thuốc kháng sinh. Đáng nói, trong thời gian vừa qua đã liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp tử vong thương tâm mà nguyên nhân chủ yếu là do sốc phản vệ thuốc kháng sinh gây nên.

Mũi tiêm “tử thần”

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ông Nguyễn Kỷ nhập viện tại Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi ngày 14-8 để điều trị sỏi thận. Sau cuộc phẫu thuật, sức khoẻ của bệnh nhân đã dần ổn định và được chuyển về khoa ngoại để tiếp tục điều trị. Vào sáng ngày 23-8, sau khi được khám và chỉ định tiêm thuốc kháng sinh, bất ngờ ông Kỷ có dấu hiệu sốc phản vệ. Đội ngũ y bác sĩ đã tiến hành cấp cứu nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân dẫn tới cái chết của bệnh nhân là sốc phản vệ do thuốc kháng sinh.

Gia đình ông Kỷ yêu cầu làm rõ nguyên nhân vụ việc (ảnh: Báo Vietnamnet)

Hiện Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Quảng Ngãi phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra cụ thể về nguyên nhân dẫn đến trường hợp tử vong bất thường này.

Sốc thuốc sau ca mổ gãy chânNhững ca tử vong thương tâm do sốc phản vệ thuốc kháng sinh ảnh 2

Người nhà bệnh nhi bàng hoàng khi nghe tin dữ (ảnh: Báo Vietnamnet)

Theo Vietnamnet, trưa ngày 7-7-2019, bệnh nhi Lê Đăng K. (5 tuổi, Ứng Hoà, Hà Nội)  nhập Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do bị xe máy tông, gãy 1/3 xương chày chân phải. Cháu bé được bác sĩ chỉ định phẫu thuật. 21h cùng ngày, bé được đưa vào phòng mổ, bác sĩ thực hiện gây tê tuỷ sống với liều 0,15mg/kg. Tuy nhiên, đến 22h cùng ngày, bác sĩ thông báo với gia đình, bé K. đang trong tình trạng nguy kịch, dừng tim do sốc thuốc. Ngay sau đó, bác sĩ đã cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng bé đã không qua khỏi.

Sáng 8-7, gia đình bé K. và đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã có buổi làm việc và tiến hành lập biên bản tường trình lại vụ việc. Đại diện gia đình cháu bé yêu cầu bệnh viện làm rõ nguyên nhân cháu tử vong đồng thời truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nếu có.

Sau gây mê, bệnh nhi tử vong do sốc phản vệ

Vào 12h ngày 21-11-2018, một bé trai đã tử vong với nguyên nhân: Ngừng tuần hoàn do sốc phản vệ độ IV (theo Báo Nhân Dân). Cụ thể, cháu Hoàng Anh Tuấn, trú tại xã Mậu Đông, huyện Văn Yên (Yên Bái), vào viện ngày 19-11-2018. Bệnh nhân được Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán: Viêm VA-Amidal quá phát và được chỉ định phẫu thuật, nhưng xin điều trị tại tỉnh.

Bé được khám gây mê theo đúng quy trình, đủ điều kiện phẫu thuật. Tới 9h ngày 21-11, bệnh nhi được chuyển xuống khoa Phẫu thuật, Gây mê hồi sức để mổ theo kế hoạch. Sau quá trình úp mặt nạ khí mê Sevoflurane, tiêm tĩnh mạch, đặt nội khí quản và sau đặt kiểm tra thông khí tốt thì bất ngờ xuất hiện điện tim trên monitor thành đường đẳng điện, da nhợt nhạt, đã được chẩn đoán ngừng tuần hoàn do sốc phản vệ. Kíp phẫu thuật với sự giúp sức của Phó Trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, sau khoảng 20 phút hồi sức tích cực, tim bệnh nhi đập trở lại khoảng 30 giây, sau đó bệnh nhân ngừng tim lần hai, kíp tiếp tục cấp cứu. Sau 15 phút, nhịp tim lại trở lại bình thường trong khoảng 20 giây rồi lại ngừng tim lần ba. Kip phẫu thuật tiếp tục cố gắng nhưng không có kết quả tích cực.

Bệnh viện Yên Bái (ảnh: VOV)

Sau vụ việc đáng tiếc trên, kíp cấp cứu cùng lãnh đạo bệnh viện giải thích cho gia đình bệnh nhi đây là trường hợp bất khả kháng, do cơ địa của bệnh nhi phản vệ quá nguy kịch, vượt quá khả năng về y tế mặc dù bệnh viện đã cấp cứu xử trí kịp thời. Bên cạnh đó, bệnh viện đã cho niêm phong các thuốc đã sử dụng để phục vụ công tác điều tra, đồng thời báo cáo tình trạng sốc thuốc về trung tâm DI và ADR quốc gia theo quy định.

Tiêm kháng sinh: Hãy cẩn trọng!  

Tiêm thuốc kháng sinh sẽ như con dao hai lưỡi. Bên cạnh những lợi ích phòng ngừa bệnh thì nó cũng có thể gây ra những phản ứng bất lợi khi cơ thể không dung nạp thuốc, dẫn tới sốc phản vệ, để lại hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân và gia đình của họ.

Sau khi tiêm thuốc kháng sinh, nếu có các triệu chứng như nổi mẩn đỏ, ngứa, bong tróc da, thậm chí nguy hiểm hơn như choáng váng, tụt huyết áp, tím tái, mất ý thức,... thì bệnh nhân nên tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Cần lưu ý các biện pháp dân gian như uống nước đậu xanh, uống nước chanh, lòng trắng trứng,... đều không có cơ sở khoa học và không cấp cứu được khi dị ứng thuốc. Khi đi khám, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ thuốc mình đã bị phản ứng trước đó (nếu có) và tình trạng cơ thể (dị ứng với thức ăn hay chất lạ) để có cơ sở đề phòng và hạn chế sử dụng các loại thuốc có nguy cơ cao gây dị ứng hoặc sốc phản vệ.