Những bất an trong phòng cháy, chữa cháy tại chung cư cao tầng

ANTD.VN - Mới đây, Hà Nội công khai danh sách gần 90 cơ sở công trình nhà cao tầng tồn tại nhiều vi phạm về PCCC và liên tiếp những vụ cháy xảy ra thời gian qua lại càng khiến người dân cảm thấy bất an hơn khi sinh sống trong chính ngôi nhà của mình...

Lỗi xảy cháy thuộc về ý thức

Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội vừa rà soát, kiểm tra các cơ sở, công trình nhà cao tầng vi phạm các quy định về PCCC trong quá trình hoạt động và công bố danh sách 88 công trình cao tầng cần khắc phục các tồn tại vi phạm về PCCC, nhằm ngăn ngừa tai nạn cháy nổ, đảm bảo cuộc sống cho cư dân. Đây là những danh sách công khai các công trình vi phạm đợt 3 trong năm 2018. Khi được hỏi liệu những tồn tại nêu trên có phải là nguyên nhân gây cháy nổ hay không, chỉ huy Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội phân tích. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn song nguyên nhân chủ yếu là ý thức của người dân. Trong đó có trách nhiệm của chủ đầu tư công trình, trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện an toàn PCCC tại nơi mình ở.

Một vụ hoả hoạn đã xảy ra tại tòa nhà chung cư Fodacon (Hà Đông, Hà Nội).

Chính vì thế đã nảy sinh sự bất an trong tâm trạng chung của nhiều người dân sống tại các khu chung cư cao tầng, đặc biệt là sau vụ cháy gây thiệt hại nặng nề tại chung cư cao cấp Carina Plaza, Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Vụ cháy làm 13 người chết, 39 người bị thương vào rạng sáng 23-3, đã phản ánh về những bất cập, yếu kém trong công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay.

Chị Nguyễn Thị Mai, trú tại  tòa nhà Caoza nằm trên đường Trần Kim Xuyến, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho biết, người dân ở đây đang cậy nhờ vào sự may rủi, bởi hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại tòa nhà có, nhưng hoạt động ra sao thì không ai biết. Vụ cháy ngày 9-7 vừa qua cho thấy sự bất cập trong công tác PCCC tại các tòa nhà và bộc lộ ý thức tự phòng ngừa của người dân còn hạn chế. Trong khi đó, các chủ đầu tư đang còn “vướng” về công tác PCCC, còn một số chây ì không khắc phục và không thể khắc phục được do công trình còn tồn tại quá nhiều vi phạm PCCC.

Không chỉ tại các khu chung cư tái định cư, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật PCCC tại các công trình cao tầng khác như nhà thương mại, thương mại giá rẻ trên địa bàn Hà Nội cũng chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.

Khi được hỏi, bất kỳ người dân nào cũng lo lắng. “Cứ nghe tiếng xe cứu hỏa hú còi là chúng tôi bủn rủn chân tay, nhất là qua vụ cháy chung cư trong thành phố Hồ Chí Minh, tôi cũng là một cư dân sống ở chung cư tại Hà Nội rất lo lắng, hoang mang. Đã sống ở chung cư rất lâu, nghe nói về PCCC chung cư nhiều, nhưng thật ra bản thân cũng không biết công tác PCCC có đảm bảo không”, ông Hoàng Minh, trú tại chung cư 4F, quận Cầu Giấy bày tỏ lo lắng.

Vụ cháy tại chung cư Golden Westlake tạo thành cột khói đen

Mất bò vẫn chưa lo làm chuồng

Thống kê từ lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nôi, hiện trên địa bàn có khoảng 1.100 công trình nhà cao tầng, phần lớn trong số đó đã đưa vào sử dụng. Với số công trình nêu trên, nhiệm vụ PCCC tại các chung cư cao tầng đang là thách thức lớn đối với Hà Nội.

Các tòa nhà cao từ 20 đến 30 tầng, thậm chí trên 40 tầng đang mọc khắp các quận nội thành như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm… Nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, xe thang chữa cháy cũng chỉ có thể vươn tới tầng 14, 15 của tòa nhà. Trong khi đó, hệ thống PCCC tại chỗ như: cảm biến khói, báo cháy tự động, bình bột chữa cháy, họng tiếp nước… thì nơi có nơi không.

Theo Đại tá Lê Chí Cao, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 3, phụ trách PCCC các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm: “Việc tổ chức PCCC đối với công trình nhà cao tầng gặp rất nhiều khó khăn. Khi xây dựng phương án PCCC ở đây chủ yếu là hướng dẫn người dân ý thức tự phòng, thoát nạn, coi trọng việc giữ an toàn. Một mặt lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tăng cường xử lý, xử phạt nhưng việc chấp hành của các chủ đầu tư công trình còn mang tính đối phó”.

Thực tế, hầu hết người dân khi bỏ tiền tỷ cho các hợp đồng mua nhà đều đặt niềm tin tuyệt đối vào chủ đầu tư, thậm chí đặt cả sinh mạng của mình mà không hề hỏi hệ thống PCCC tòa nhà đã được cấp phép, thẩm định hay chưa. Trong khi việc phối hợp, kiểm tra của ngành chức năng chưa thường xuyên, một số nơi còn tình trạng buông lỏng, nhất là thực trạng các công trình chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng. “Không phải công trình được nghiệm thu đầy đủ đã là an toàn, muốn an toàn phải ngoài việc tuân thủ quy định an toàn PCCC trước tiên, sau đó công tác bảo trì bảo dưỡng hệ thống phải thường xuyên thực hiện. Trong khi đó hàng chục công trình đang vi phạm chưa được khắc phục song vẫn cho người dân vào ở” - Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng Phòng chỉ đạo Hướng dẫn về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội phân tích.  

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư Fodacon, quận Hà Đông, Hà Nội ngày 25-5 đã khiến người dân hoảng loạn

Hiện lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã chuyển hồ sơ 5 công trình vi phạm về an toàn PCCC sang cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội để phục vụ công tác điều tra, xử lý nghiêm.

Từ thực tế cho thấy con số vi phạm hiện nay lên đến gần 90 công trình vi phạm về PCCC, như vậy trong khâu xử lý chưa thật sự quyết liệt. Rõ ràng, ngoài những tồn tại, yếu kém và thiếu trang thiết bị, nỗi lo PCCC tại các tòa nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội còn có yếu tố chủ quan, buông lỏng quản lý. Việc “bêu” tên các công trình vi phạm như hiện nay, nhưng chưa tìm ra hướng xử lý, khắc phục cụ thể, hiệu quả là "mất bò vẫn chưa lo làm chuồng" và người dân sinh sống trong các tòa nhà chung cư cao tầng vẫn không vơi nỗi lo an toàn PCCC.