- Người thợ lắp máy giữa lưng chừng trời
- Nhọc nhằn mưu sinh bên "hỏa ngục" giữ nghề thổi thủy tinh
- Xứng đáng cánh chim đầu đàn của ngành Điện lực Thủ đô
LILAMA 18 hiện là đối tác chiến lược của nhiều nhà cung cấp thiết bị công nghiệp lớn, nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực khai khoáng, lọc dầu...
Niềm vui về đích sớm
Những ngày cuối năm, không khí ở công trường dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đang hết sức sôi nổi cho ngày dự kiến nổi lửa lò hơi 25-1-2019. Hơn 1.200 công nhân kỹ sư Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - LILAMA đang hối hả làm việc trên công trường một dự án có nhiều điều đặc biệt…
Giám đốc Ban dự án LILAMA Nguyễn Hồng Sỹ cho biết, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và dự án Vĩnh Tân 4 mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, là một trong những dự án trọng điểm của Chính phủ, nằm trong quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII. Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam là nhà thầu lắp đặt toàn bộ thiết bị cơ điện của hai nhà máy.
Trên công trường, LILAMA đã phối hợp chặt chẽ với Tổng thầu EPC (Doosan) triển khai thi công quyết liệt, đưa ra các giải pháp thi công hợp lý để đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn đảm bảo an toàn, chất lượng hiệu quả. Tổng khối lượng lắp đặt thiết bị cơ khí đạt 66.300 tấn, toàn bộ hệ thống điện, đo lường chính của nhà máy cũng như 1.550.000m cáp điện - gần bằng chiều dài cả đất nước.
Giai đoạn 2 của dự án, LILAMA tiếp tục được Chủ đầu tư và Tổng thầu tín nhiệm giao thi công lắp đặt toàn bộ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng. Đến nay, tiến độ tổng thể đã đạt 96,5% với tổng khối lượng thi công cơ khí khoảng 23.500 tấn thiết bị, 780.000m cáp điện và điều khiển, công tác nghiệm thu đạt 85,5%.
Các hạng mục điện trung thế 10KV, hạ thế 0,4KV, máy biến áp chính 600MW, ống dẫn dòng 26KV, máy cắt cực hoàn thành nhận điện ngược từ lưới điện quốc gia vào ngày 17-7-2018, sớm hơn dự kiến. Đây là một trong những mốc rất quan trọng nhằm đáp ứng nguồn điện phục vụ công tác chạy thử nghiệm. Lò hơi cao áp đã hoàn thành công tác thử áp vào ngày 13-8-2018 sớm trước 1 tháng so với tiến độ cam kết với Tổng thầu.
Chia sẻ về việc đây là một trong những dự án nhiệt điện hiếm hoi vượt tiến độ, Giám đốc dự án Nguyễn Hồng Sỹ cho biết: “Ở đây, công nhân vẫn được nghỉ chủ nhật. Bí quyết của chúng tôi là luôn phối hợp chặt chẽ với Tổng thầu để làm chủ tiến độ. Làm việc với họ, chúng tôi học được tinh thần làm việc chăm chỉ, cần mẫn, và những nỗ lực tuyệt vời của họ”.
Kỹ sư Nguyễn Công Đức, người đã gắn bó với dự án này hơn 5 năm chia sẻ câu chuyện thú vị về việc đảm bảo an toàn lao động trên công trường. Công trường thường xuyên được kiểm tra an toàn bởi các công ty độc lập có tiếng. Một công ty Hàn Quốc như vậy đã đến kiểm tra và công trường Vĩnh Tân 4 mở rộng đạt điểm an toàn 87/100 - cao nhất trên các công trường của Tổng thầu Doosan trên toàn thế giới. Kết quả đó làm nhiều người ngạc nhiên và các công ty khác cho rằng đơn vị kiểm tra đã thiên vị. Tuy nhiên, đích thân Phó Giám đốc công ty đó đã sang kiểm tra lại và kết quả vẫn như thế.
“Cứ 50 công nhân sẽ có một người đảm bảo an toàn lao động theo đúng chuẩn mực thế giới. Chúng tôi thực hiện nghiêm và sẵn sàng buộc thôi việc với người vi phạm 2 lần, bất kể là ai”, kỹ sư Nguyễn Công Đức nói.
Sau 4 năm thi công trên mảnh đất khắc nghiệt Tuy Phong, Bình Thuận, những người thợ lắp máy nơi đây sẽ có một cái Tết thật vui vẻ, khi sắp có thêm những dòng điện mới phục vụ nhân dân. Những thành quả đạt được của dự án Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng là sự ghi nhận những bước tiến mới của người lao động lắp máy và cũng là điều kiện để LILAMA thêm tự tin vào bề dày kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án năng lượng trọng điểm nói riêng và các dự án công nghiệp nặng nói chung tại Viêt Nam và trên thế giới.

Niềm vui của người kỹ sư lắp máy LILAMA trên công trường
Những bàn tay vàng đón tương lai
Ngược về phía Nam, chúng tôi đến Bình Dương để tận mắt chứng kiến LILAMA 18- một trong những cánh chim đầu đàn trong ngành chế tạo cơ khí xuất khẩu. Phó Tổng giám đốc LILAMA 18 Nguyễn Duy Lợi cho biết, hiện tại, thu nhập bình quân của trên 3.500 người lao động trong công ty là 10,8 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, doanh thu xuất khẩu thiết bị ra nước ngoài của công ty đạt từ 300-500 tỷ đồng. Đó là kết quả của sự nỗ lực rất lớn trong bối cảnh chung mà người ta vẫn phải thường đau đáu: “Ngành cơ khí mãi là đứa bé không chịu lớn”.
Ông Nguyễn Duy Lợi cho biết, ngành chế tạo, gia công cơ khí ở Việt Nam rất ít thuận lợi, chủ yếu là gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu. Khoảng 20 năm trở lại đây, các doanh nghiệp ồ ạt đầu tư sản xuất thép nhưng quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, chỉ dừng lại ở công đoạn giản đơn nhất là cán thép. Các doanh nghiệp này gần như không quan tâm đầu tư chiều sâu, nhất là vào luyện gang từ quặng thô, vì đây là công đoạn đòi hỏi đầu tư lớn, dẫn tới bị mất cân đối trong các phân khúc sản phẩm, không sản xuất nổi thép chất lượng cao phục vụ công nghiệp chế tạo.
Chuỗi sản xuất thép chỉ hớt phần “ngọn”, luôn bị động theo giá phôi thế giới. Thép xây dựng tuy là thế mạnh, sản phẩm chủ lực của ngành, song chất lượng rất thấp, không đủ tiêu chuẩn để “đặt chân” vào những công trình lớn, quan trọng của đất nước, chưa kể đến những sản phẩm chất lượng cao để gia công các sản phẩm cơ khí công nghiệp lớn. Do đó, chúng ta luôn thua Trung Quốc và Ấn Độ trong các hợp đồng sản xuất hàng loạt bởi họ có sẵn nguyên liệu, sản xuất được số lượng lớn, giá thành rẻ hơn.
“Hướng đi của chúng tôi là chọn “đường ngách” và mục tiêu cao nhất là đảm bảo chất lượng tốt nhất. Chúng tôi cạnh tranh với những đơn hàng chỉ quan tâm đến chất lượng, chọn hàng tinh”, ông Nguyễn Duy Lợi khẳng định. Phó Tổng giám đốc LILAMA 18 phân tích, để làm được điều đó, trước hết phải nâng cao tay nghề của người thợ, nâng cao hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế đặc biệt là các tiêu chuẩn châu Âu vì đây là thị trường LILAMA 18 đang nhắm đến.

Cẩu container ở cảng biển do LILAMA 18 chế tạo lắp ghép xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Với 4 sản phẩm chính: Cẩu container cho các cảng (cẩu bờ và cẩu dàn); vận chuyển và khai khoáng (băng tải, băng chuyền) - đây là mảng chủ lực; thiết bị lọc hóa dầu - hiện đang cung ứng cho khoảng 10 nhà thầu trong vào ngoài nước; và các thiết bị khác (đây là phụ trợ cho 3 nhóm trên). LILAMA 18 hiện là đối tác của hàng chục hãng cơ khí nổi tiếng thế giới.
LILAMA 18 đang triển khai thi công giai đoạn 1 Nhà máy điện năng lượng mặt trời BIM 1 tại tỉnh Ninh Thuận. Nhà máy xây dựng trên diện tích 35ha, tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, được trang bị công nghệ và thiết bị hiện đại. Với hơn 90.000 tấm pin năng lượng mặt trời, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ cho sản lượng điện hàng năm lên đến 50 triệu kWh. Đây chắc chắn là hướng đi mới, hợp xu thế và việc sẵn sàng cho các công trình lớn thế này cũng không khó khăn gì với những người thợ lành nghề của LILAMA 18…
Phó Tổng giám đốc LILAMA 18 nhấn mạnh: “Không có con đường nào khác là duy trì chất lượng và truyền thống, uy tín của LILAMA. Như khẩu hiệu của công ty: “Đến với chúng tôi, các bạn sẽ được cao gối, ngủ yên…”.