Nhức nhối nạn bạo hành phụ nữ ở Việt Nam

ANTD.VN - Vấn nạn bạo hành phụ nữ đang nóng hơn bao giờ hết khi thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc chồng đánh đập vợ, gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần của người phụ nữ. Mức độ nghiêm trọng từ những vụ bạo hành đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho toàn thể xã hội, đặc biệt là các cơ quan chức năng về chế tài xử lý thích đáng.

Chồng đánh vợ mang thai 7 tháng gây thương tích đầy mình

Nhức nhối nạn bạo hành phụ nữ ở Việt Nam ảnh 1

Chị M mang thai 7 tháng bị chồng đánh đập (Ảnh: Dân trí)

Thông tin trên báo Dân trí, nạn nhân là chị M (31 tuổi, ở An Giang). Chị M sống chung anh Huỳnh Văn An (26 tuổi, ở Bình Thuận) như vợ chồng nhưng không hề có đăng ký kết hôn. Hơn một năm qua, anh An đã có hành vi đánh đập chị rất nhiều lần. Nhưng câu chuyện đẩy lên đến đỉnh điểm khi vào ngày 16-8-2019, thời điểm chị M mang thai gần 26 tuần, anh An đi nhậu về thấy chị đang nằm ngủ liền chửi rủa và đánh đập. Tên này sử dụng cây gỗ dài 80cm đập lên đầu, tay, chân của chị M. Chị M bỏ chạy thì An dùng dao đuổi theo và chém liên tiếp vào người. Gia đình, hàng xóm xung quanh đều không dám can ngăn. Cho đến ngày 17-8, khi phát hiện chị M bị hôn mê, hàng xóm gây áp lực lên gia đình An và đưa chị vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cấp cứu.

Đến ngày 19-8, An lên viện và yêu cầu chị M xuất viện mặc dù vết thương vẫn còn chưa lành. Chị M được chẩn đoán chấn thương đầu, vỡ nền sọ (gãy xoang sàng hai bên), hai tay bị gãy xương trụ, xương quay, xương mác, đồng thời còn gãy nhiều xương ngón tay ở bàn tay trái.

Sau lần bị đánh đập đến “thập tử nhất sinh”, chị M có dấu hiệu sang chấn tâm lý, thường xuyên chạy ra đường. Người dân đã báo cho cơ quan chức năng về vụ việc của chị M để theo dõi các biểu hiện của chị sau đó. Đến ngày 27-8, Đại tá Nguyễn Văn Loan, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) đã ký quyết định trưng cầu giám định và đưa chị M đến Trung tâm Giám định pháp y Bình Thuận để giám định tỷ lệ thương tật. Sau khi có kết quả, cơ quan sẽ tiến hành các bước theo trình tự tố tụng, cụ thể là bắt giữ đối tượng Huỳnh Văn An để điều tra, làm rõ và xử lý.

Võ sư đánh vợ - giao tiếp bằng nắm đấm

Hình ảnh ghi lại từ camera về vụ võ sư đánh vợ 

Dư luận chưa hết xôn xao về vụ việc của người phụ nữ mang thai 7 tháng ở Bình Thuận bị đánh đập tàn bạo thì mới đây, vụ việc võ sư đánh vợ dấy lên những điểm nóng về vấn nạn bạo hành phụ nữ, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt thích đáng với các đối tượng này.

Đối tượng hành hung là Nguyễn Xuân Vinh (SN 1987, trú ở phường Thạch Bàn) đã có những hành động bạo lực dã man như: thẳng tay đánh đập, ném sỏi, … với người vợ của mình khi đang bế con nhỏ.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mẫu thuẫn trong sinh hoạt. Công an quận Long Biên sẽ tiến hành giám định sức khỏe đối với nạn nhân Vũ T.T.L (SN 1992, trú ở phường Thạch Bàn), từ đó xác định căn cứ chính xác để xử lý đối tượng. Hiện, công an đang tiến hành các biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng này.

7 năm sống chung cùng người chồng vũ phu

Ảnh người vợ bị chồng đánh đến mức nhập viện được chia sẻ trên mạng

Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị H (SN 1992, trú ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Mâu thuẫn do vấn đề kinh tế trong gia đình, anh Trương Quang Nam (SN 1987, chồng chị H) thường xuyên nhậu nhẹt, rượu chè, rồi sau đó đánh đập chị H. Các hình thức mà đối tượng thường sử dụng đó là: đập gậy ngang đùi, túm tóc kéo dọc đường, xô xuống hố cột điện… Theo chia sẻ từ mẹ nạn nhân: 7 năm đi lấy chồng là 7 năm không được có cái tết nào yên. Nhưng vì thương con nên H vẫn cố chịu đựng và che giấu.

Vào chiều ngày 16-8, đây là lần đánh đập nặng nề nhất, chị H đầu tóc rũ rượi, toàn thân là các vết bầm tím. Kết quả từ bác sĩ tại khoa Ngoại của Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên về tình trạng của chị H: gãy tay trái và yêu cầu phải nằm viện điều trị.

Nguyên nhân gây ra mâu thuẫn trong gia đình để dẫn đến những vụ việc đánh đập tàn bạo có thể do cả hai phía, từ vợ hoặc chồng. Tuy nhiên, việc dùng nắm đấm để giải quyết là hoàn toàn sai. Thay vào đó mỗi người cần học cách kiềm chế cảm xúc, lắng nghe những chia sẻ của đối phương để từ đó tìm ra cách hòa giải tốt nhất. Hòa giải tình cảm sẽ nhẹ nhàng hơn khi xảy ra sự việc và cần đến việc áp dụng các chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật.