Nhiều người sẽ được cứu chỉ với... chiếc khăn mặt ướt

ANTD.VN - Lẽ thường, khi thấy cháy, nhiều người hoảng sợ, vội vàng bỏ chạy thật nhanh. Tuy nhiên, nếu như chúng ta có kỹ năng và kiến thức thì không những đảm bảo được an toàn cho chính bản thân mà còn giúp người khác thoát nạn.  

Bình gas không nổ, chỉ nổ khí gas

Buổi sáng ngày cuối tháng 6, hội trường Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội không còn một chỗ trống. Hàng trăm bảo vệ của các cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn quận, chẳng ai bảo ai, đều đến sớm trước 20 phút so với giờ lên giảng của Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Công an quận. Những kiến thức về pháp luật, phòng chống cướp, trộm cắp, hay cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường... đã giúp cho họ có thêm cái nhìn đầy đủ hơn về trách nhiệm đối với cộng đồng và chính bản thân.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy hướng dẫn đội viên bảo vệ, người dân cách thức sử dụng bình chữa cháy

Việc PCCC và cứu hộ, cứu nạn được Ban Chỉ huy Công an quận Cầu Giấy xác định là một trong những nội dung quan trọng giúp các đội viên bảo vệ cơ quan, trường học, doanh nghiệp không những thoát nạn, mà còn đảm bảo an toàn cho người khác.

Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, đây là những học viên đặc biệt, bởi họ không những là người đầu tiên phát hiện đám cháy, mà còn là lực lượng chữa cháy tại chỗ hết sức quan trọng. Nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng này thì Cảnh sát PCCC sẽ rất khó có thể hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ khi sự cố cháy, nổ xảy ra.

Khi bình gas rò khí bốc cháy, cần bình tĩnh sử dụng bình bọt  phun, hoặc có thể dùng chăn ướt trùm vào

Theo đại diện chỉ huy Công an quận Cầu Giấy, hiện nay đa số nguyên nhân cháy ở các quán ăn, nhà hàng...thường bắt nguồn từ cháy, nổ khí gas. Nhiều thực khách khi vào quán, trong lúc đợi mang đồ ăn lên, nhân viên quán bật bình gas mini trước. Quá trình này, khí gas có thể rò rỉ thoát ra ngoài. Khi lượng khí gas đủ lớn, chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng sẽ “thổi bay” tất cả.  

Khi gặp tình huống này, nhiều người sẽ mất bình tĩnh, hoảng sợ, nháo nhào bỏ chạy. “Chúng ta cần bình tĩnh, bởi bình tĩnh sẽ giúp cho chúng ta thoát chết. Bình gas không bao giờ nổ được, nó chỉ nổ khí gas mà thôi. Trong trường hợp này, hãy sử dụng bình bọt phun, hoặc có thể lấy chăn, khăn to ẩm ướt nhanh chóng chùm vào cổ bình gas, vặn chặt van bình lại. Đôi lúc, chúng ta dễ dàng cứu sống bản thân, gia đình, những người xung quanh chỉ với một chiếc khăn mặt ướt”- Đại tá Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

Phát hiện cháy nổ, cứu chữa tại chỗ

Cũng theo đại diện Công an quận Cầu Giấy, hiện nay những nguy cơ cháy, nổ hiện diện khắp nơi; từ trong các gia đình, hay quán ăn, công ty, trường học... nếu không chủ động những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, “bà hỏa” có thể "ghé thăm" bất cứ lúc nào. Trong những trường hợp này, vai trò của lực lượng bảo vệ, chữa cháy tại chỗ là vô cùng quan trọng.

“Khi lực lượng Cảnh sát PCCC nhận được tin báo cháy thì phải mất ít nhiều thời gian mới có thể đến được hiện trường. Đó là trong điều kiện đường xá thông thoáng, không xảy ra sự cố ùn tắc, hoặc xe PCCC tiếp cận được. Nhiều trường hợp đường nhỏ, xe không vào tới nơi thì vai trò của lực lượng chữa cháy tại chỗ càng trở lên quan trọng. Nếu như các bác bảo vệ, người dân kịp thời phát hiện ra sự cố, có thêm những kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống thì chắc chắn ngọn lửa sẽ nhanh chóng được khống chế”- Đại tá Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận.

Mỗi gia đình, công ty, trường học cần trang bị các thiết bị, dụng cụ chữa cháy như bình cứu hỏa...

Thực tế cho thấy, trên thị trường có rất nhiều các thiết bị, dụng cụ PCCC. Giá cả cũng như chất lượng của các sản phẩm này không đồng đều. Người dân nếu không có kiến thức thì sẽ rất khó có thể lựa chọn cho mình một sản phẩm ưng ý, vừa với nhu cầu và đặc biệt là có tác dụng hữu hiệu trong việc PCCC.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, nhất là đội viên bảo vệ của cơ quan, doanh  nghiệp, trường học cần ý thức được trách nhiệm trong công tác phòng chống cháy nổ, nhất là tham mưu, đề xuất với lãnh đạo các bộ phận có liên quan trang cấp những thiết bị đảm bảo an toàn khi làm việc, PCCC.

Đối với những khu vực như tầng hầm, chung cư, siêu thị, trung tâm thương mại, ngoài bình chữa cháy cần phải được trang bị mặt nạ phòng cháy cho nhân viên bảo vệ. “Ít nhất mỗi gia đình, nơi làm việc tùy theo tính chất, mức độ nên dự trữ vài chiếc mặt nạ PCCC. Khi xảy cháy, thời gian thoát nạn có thể được tính bằng giây. Chính vì vậy, trong vài phút cũng đã giúp chúng ta nhanh chóng thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm”- Đại tá Nguyễn Trường Sơn nói.