Nhiều người nhập viện vì bỏng da, sốc nhiệt, viêm phổi... trong những ngày Hà Nội nắng nóng như chảo lửa

ANTD.VN - Trong thời tiết nắng nóng đỉnh điểm vài ngày qua ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, đã có không ít người phải nhập viện vì bỏng nắng, cháy nắng, đột quỵ. Cùng đó, nhiều người nhập viện vì cảm cúm, viêm đường hô hấp do… nằm điều hòa cả ngày.

Người bệnh ngột ngạt vì nắng nóng

Nguy hiểm nhất là các đối tượng làm việc ngoài trời

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, nắng nóng gay gắt những ngày qua khiến lượng bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh liên quan đến da tăng 15-20% so với ngày thường, phổ biến là các bệnh như: Rôm sảy, rám má, mụn trứng cá, viêm nang lông, nấm da…

Cùng đó, bệnh viện cũng đã tiếp nhận một số trường hợp đến khám do cháy nắng, bỏng nắng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, đối tượng dễ đổ bệnh nhất là những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời trong thời gian dài, vì việc phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng khiến làn da bị tổn thương.

Ngay cả với những người đi bể bơi hay tắm biển lúc chưa tắt nắng, da phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời gian dài cũng rất nguy hiểm.

Bên cạnh bệnh lý về da liễu, mấy ngày qua, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận số ca nhập viện vì say nắng, say nóng, sốc nhiệt, đột quỵ… tăng cao. Theo bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu - Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương), trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, số bệnh nhân được cấp cứu tại khoa tăng khoảng 150%, chủ yếu là các trường hợp bị tai biến mạch máu não, viêm phổi.

Tương tự, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, khoa cấp cứu của bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị đột quỵ, sốc nhiệt, tim mạch…

Bên cạnh đó, cũng có không ít bệnh nhân nhập viện vì viêm họng, viêm phổi, cảm cúm do… nằm điều hòa cả ngày để tránh nóng.

Lý do vì ở điều kiện thời tiết này, chênh lệnh nhiệt độ giữa phòng điều hòa với bên ngoài là rất lớn. Các bác sĩ chỉ rõ, nắng nóng làm cho cơ thể mệt mỏi, mất nước, sức đề kháng suy giảm cộng thêm sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi từ phòng điều hòa lạnh ra ngoài khiến cơ thể dễ rơi vào tình trạng sốc nhiệt cũng như ảnh hưởng đến đường hô hấp…

Đặc biệt, với người bệnh bị cảm cúm, nếu nằm phòng máy lạnh quá nhiều sẽ khiến bệnh khó thuyên giảm và làm cho các triệu chứng khan cổ, khàn tiếng trầm trọng thêm.

Khuyến cáo cách xử lý khi bị say nắng, say nóng

ThS. BS Lê Văn Dẫn, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, nhận định trước bệnh nhân nhập viện vì say nắng, say nóng sẽ tăng cao nên bệnh viện đã có bài hướng dẫn cấp cứu say nắng, say nóng để phổ biến cho các y bác sĩ tại khoa cấp cứu cũng như ngoài bệnh viện.

Bác sĩ Lê Văn Dẫn hướng dẫn: Để điều trị say nắng, say nóng ở ngoài bệnh viện, điều đầu tiên là phải đưa ngay bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, vào chỗ dâm mát; lúc này cởi bớt quần áo tạo sự thoáng mát cho người bệnh; đắp khăn ướt hoặc nước đá vào cổ, nách, gáy... quạt cho bệnh nhân, có thể phun nước lạnh vào người; cho thở oxy; đặt đường truyền tĩnh mạch và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Tại bệnh viện, người bệnh cần được theo dõi sát nhiệt độ trực tràng và da; tiếp tục làm mát thân nhiệt cho người bệnh; cho bệnh nhân vào phòng điều hòa nhiệt độ từ 20-22 độ C; sử dụng giường chống nóng đặc biệt, đảm bảo nhiệt độ da từ 32-33 độ C; quạt liên tục và sử dụng các biện pháp chuyên môn điều trị cho người bệnh như sử dụng thuốc, dịch truyền, thuốc vận mạch...

Để phòng bệnh và tránh nguy cơ bệnh tăng nặng đối với những người có tiền sử bệnh mạn tính trong điều kiện nắng nóng gay gắt hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo: người dân cần tránh thay đổi đột ngột nhiệt độ; người bệnh mạn tính phải tuân thủ việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, hạn chế làm việc hay vận động nhiều ngoài trời nhằm đề phòng giãn mạch quá mức…