Nhiều nghi ngại về dự thảo chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ

ANTD.VN - Dư âm về “lò” sản xuất 350 tiến sĩ một năm cùng nhiều sai phạm về chỉ tiêu, cách thức thực hiện của đơn vị đầu đàn trong đào tạo bậc học vừa được công bố tháng 8-2017 khiến dư luận thiếu niềm tin trước dự thảo kế hoạch chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ.

Nhiều nghi ngại về dự thảo chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ ảnh 1Nhiều hiệu trưởng các trường đại học thừa nhận,chất lượng tiến sĩ chưa cao

Nhận định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục đại học còn thấp, chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi và chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.

Chấn chỉnh đào tạo trước khi chi tiền

Bộ GD-ĐT cho biết, toàn ngành có số lượng giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ chiếm 22,7%; trình độ thạc sĩ chiếm 59,2%. Số lượng tiến sĩ được cho là quá thấp so với nhu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Do vậy, dự thảo đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, nâng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) trong tổng số giảng viên các trường đại học.

Bàn về dự thảo này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, nếu đào tạo tiến sĩ mà không chất lượng chỉ thêm tốn kém tiền của Nhà nước, của nhân dân. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, việc đào tạo tiến sĩ khoa học không thể vội vàng trong 8 năm mà đạt tới 9.000 tiến sĩ. “Chương trình mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ theo Đề án 911 đã “đẻ” ra đa phần tiến sĩ “giấy”. Với thực tế này, Bộ GD-ĐT có nên đi theo con đường cũ?”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đặt vấn đề.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cũng chia sẻ, hiện nhiều người lo ngại về chất lượng tiến sĩ nên đề án này còn nhiều băn khoăn. Để lấy lại niềm tin đối với công tác đào tạo tiến sĩ, Bộ GD-ĐT trước hết nên rà soát, kiểm định lại các cơ sở đào tạo tiến sĩ. 

“Đã đến lúc chúng ta cần cương quyết hơn, trường nào đào tạo tiến sĩ thì phải nghiên cứu khoa học mạnh, có bề dày truyền thống theo hướng nghiên cứu, có đội ngũ giảng viên mạnh, cơ sở vật chất tốt. Trường nào không đáp ứng nhu cầu thì kiên quyết loại bỏ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đào tạo tiến sĩ để đảm bảo chất lượng cũng cần được tiến hành thường xuyên”, TS. Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Cần có tính thuyết phục 

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đánh giá, với nền giáo dục còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đời sống giáo viên nên việc đầu tư nên ưu tiên vào cơ sở vật chất, điều kiện dạy học thay vì chi cho đào tạo hàng loạt tiến sĩ. Được biết, theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, trong số 9.000 tiến sĩ cần đào tạo, khoảng 5.000 người sẽ được đào tạo tại các trường đại học có uy tín trên thế giới, 500 tiến sĩ được đào tạo theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài. Số đào tạo trong nước sẽ là 2.000 tiến sĩ và khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các trường đại học tại Việt Nam.

Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 12.000 tỷ đồng, bao gồm 10.200 tỷ đồng từ kinh phí còn lại của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 và 1.800 tỷ đồng từ các cơ sở giáo dục đại học và đối tượng thụ hưởng đề án.

Thực tế, hiện nay, nhiều hiệu trưởng các trường đại học cũng thừa nhận, chất lượng tiến sĩ chưa cao, nhiều giảng viên còn hạn chế về năng lực tổ chức và hợp tác nghiên cứu khoa học. Số lượng các công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus của Việt Nam rất khiêm tốn. 

Với dự án đào tạo 9.000 tiến sĩ tốn 12.000 tỉ đồng, vấn đề quan trọng là thực hiện thế nào để có đội ngũ tiến sĩ có chất lượng thực sự. GS. Nguyễn Đình Đức, trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc đầu tư chi phí đào tạo, việc sử dụng nhân lực phù hợp và chế độ đãi ngộ thỏa đáng chính là động lực để nâng cao chất lượng đào tạo, làm việc và nghiên cứu của đội ngũ tiến sĩ.