Nhiều đơn thuốc do bác sĩ viết tay rất khó đọc, khó kiểm soát

ANTD.VN - Hiện nay tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, bác sĩ vẫn kê đơn thuốc vào giấy hoặc sổ y bạ, chưa kể việc khó để kiểm soát đơn thuốc bác sĩ kê đúng quy định không thì nhiều đơn chữ bác sĩ viết ẩu rất khó đọc…

Bộ Y tế muốn khắc phục tình trạng khó kiểm soát đơn thuốc khi bác sĩ viết tay

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ Y tế đang xây dựng Đề án đơn thuốc điện tử quốc gia để triển khai áp dụng đồng thời ở các cơ sở khám chữa bệnh công và tư trên toàn quốc.

Theo ông Khuê, thực tế hiện nay các bệnh viện đã kê đơn thuốc bằng máy tính trên phần mềm quản trị bệnh viện, nhưng mỗi bệnh viện có định dạng chuẩn dữ liệu khác nhau và không đồng nhất khối dữ liệu nên rất khó liên thông ra ngoài cơ sở khám chữa bệnh.

Đặc biệt, nhiều bệnh viện, nhất là các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vẫn áp dụng kê đơn thuốc vào giấy hoặc sổ y bạ, rất khó để kiểm soát đơn thuốc của bác sĩ nào, kê tại đâu, có đúng quy định không (chẳng hạn việc bác sĩ cố ý kê thực phẩm chức năng và mỹ phẩm vào đơn thuốc)…

Thậm chí, một số đơn thuốc viết tay do chữ bác sĩ viết xấu, viết ẩu nên rất khó đọc. Cùng đó, việc kê đơn thuốc vào giấy hoặc sổ y bạ gây khó khăn trong việc kiểm soát các nhà thuốc có thực hiện bán thuốc theo đơn hay không.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nêu rõ, những bất cập đó sẽ được khắc phục đáng kể khi áp dụng đơn thuốc điện tử quốc gia.

Đề án đơn thuốc điện tử quốc gia cũng sẽ khắc phục tình trạng nhà thuốc bán các loại thuốc chỉ được bán khi có đơn, đặc biệt là kháng sinh và thuốc kiểm soát đặc biệt; thống kê, tổng hợp, phân tích việc kê đơn nhằm truy suất nguồn gốc và trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân trong trường hợp vi phạm và hỗ trợ công tác thanh kiểm tra.

Được biết, phần mềm đơn thuốc điện tử Quốc gia là nơi có thể tiếp nhận, lưu trữ đơn thuốc được gửi tới từ tác cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân trên phạm vi toàn quốc. Phần mềm này cũng chia sẻ đơn thuốc tới người bệnh và các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn thị trường.

Hiện tại, Đề án này đang được thực hiện thí điểm tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên. Theo kết quả ban đầu, hai địa phương này đều thực hiện phần mềm một cách dễ dàng và đáp ứng được yêu cầu.

Toàn bộ đơn thuốc đã kê của các cơ sở đều đã được gửi lên Đơn thuốc điện tử quốc gia và các cấp quản lý như Bộ Y tế, Sở Y tế, đơn vị chủ quản để quản trị các đơn thuốc đã kê.