Nhiều đề tài mới và khó về ứng phó biến đổi khí hậu gắn với an ninh và phát triển bền vững

ANTĐ.VN - Chiều 7-11, GS Mai Trọng Nhuận cho biết, diễn đàn Hà Nội 2018 chọn đề tài độc đáo: Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo bền vững và an ninh. Dự kiến, diễn đàn sẽ thu hút khoảng 500 nhà khoa học, chính trị nổi tiếng trong nước và thế giới tham dự. 

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đối khí hậu, với nhiều nguy cơ địa lý như lũ lụt, sạt lở đất, động đất, xói lở bờ biển và sụt lún… xảy ra ở nhiều nơi khác nhau.

Diễn đàn Hà Nội 2018 do ĐHQGHN phối hợp với Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc (KFAS), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10/11/2018 với mục đích đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc thực thi các nội dung về mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) thông qua nghiên cứu khoa học, công nghệ và trao đổi học thuật quốc tế. 

Với đề tài được đánh giá là độc đáo, đúng định hướng trong một đề tài không mới trong ứng phó biến đổi khí hậu, GS Mai Trọng Nhuận, ĐHQG Hà Nội cho biết, chủ đề diễn đàn lần này tập trung vào ứng phó biến đổi khí hậu để đảm bảo bền vững và an ninh.

GS Mai Trọng Nhuận cho biết, lĩnh vực an ninh khá rộng và có tính nhạy cảm nhưng lần này được đưa vào diễn đàn với các vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống như các vấn đề an ninh liên quan đến biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, an ninh sinh thái, an ninh nước, an ninh năng lực...

Đây là vấn đề mới với toàn cầu và được lựa chọn để đưa vào diễn đàn nhằm tìm kiếm những báo cáo, nghiên cứu sâu hơn về đảm bảo an ninh trong tình hình biến đổi khí hậu.

Diễn đàn Hà Nội 2018 khuyến khích những nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực, kết hợp khoa học – công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Hơn 500 đại biểu là lãnh đạo/cựu lãnh đạo của các quốc gia, các chính khách, lãnh đạo tập đoàn và các tổ chức quốc tế, các học giả và nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới.

Trong đó, bà Helen Clark, nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng Giám đốc UNDP; Ông Stephen P. Groff, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK (Hàn Quốc); Ông Youba Sokona, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) sẽ tham dự cũng như có bài trình bày tại phiên khai mạc và phiên báo cáo toàn thể.

Về phía Việt Nam, đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc sẽ tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham gia của các nhà khoa học nổi tiếng đến từ các đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Diễn đàn sẽ là nơi trao đổi học thuật và chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững

GS Mai Trọng Nhuận cho biết, mong muốn của Ban tổ chức là sẽ có những kiến nghị, đề xuất cụ thể về chính sách đã ban hành hoặc định hướng sắp tới. "Có rất nhiều nghiên cứu mới ứng phó khí hậu của cả hội nghị sẽ được tổng hợp sau mỗi phiên họp. Bên cạnh đó, vấn đề về phối hợp giữa các bộ ngành thực tế chưa được đánh giá cao, cũng được quốc tế khuyến cáo để có được hiệu quả cao trong chống biến đổi khí hậu, ứng phó, thích nghi" - GS Mai Trọng Nhuận nói.