Nhiều chung cư "mi ni" vẫn "3 không" về an toàn phòng cháy chữa cháy

ANTD.VN - Trước nguy cơ mất an toàn PCCC tại chung cư “mi ni” trên địa bàn Hà Nội, lực lượng Cảnh sát PCCC đã liên tục kiểm tra, tuyên truyền yêu cầu chủ cơ sở khắc phục, song vì lợi ích kinh tế họ đã bất chấp hiểm nguy, không khắc phục và phó mặc nguy hiểm cho người thuê, mua chung cư “mi ni” phải hứng chịu nếu xảy ra hỏa hoạn.

3 không ở chung cư “mi ni”

Khái niệm về chung cư “mi ni” chỉ mang tính bộc phát từ người dân chứ không có trong tài liệu, hồ sơ xây dựng, quản lý nhà của cơ quan chức năng. Bởi theo cơ quan Cảnh sát PCCC và cơ quan chức năng phụ trách về xây dựng thì đã là chung cư phải thẩm duyệt an toàn PCCC trước khi xây dựng, và phải có các hệ thống an toàn PCCC.

Chung cư Bồ Đề vi phạm nghiêm trọng an toàn PCCC

Với cái tên chung cư “mi ni”, gọi cho các công trình nhà ở cho thuê từ 5 đến 10 tầng và do tư nhân xây dựng như hiện nay vẫn chỉ là nhà ở thuộc hộ gia đình và nguy hiểm nhất là các công trình đang "3 không" về an toàn PCCC.

Đại úy Đoàn Tiến Bắc, Đội trưởng đội kiểm tra, hướng dẫn Phòng Cảnh sát PCCC số 3 thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết: “Với dạng nhà ở như người dân đang gọi là chung cư “mi ni” rất tiềm ẩn nguy cháy nổ, song hiện vẫn xếp vào loại nhà ở hộ gia đình và được thực hiện diện rà soát, kiểm tra theo kế hoạch 209 của UBND TP Hà Nội về việc tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC theo diện nhà ở kết hợp cơ sở kinh doanh. Trên thực tế nó là chung cư bởi vì có hàng vài chục hộ, thậm chí vài trăm hộ dân, có mua bán, trao đổi, cho thuê nhưng lại không được thẩm duyệt an toàn PCCC khi xây dựng. Kẽ hở này đã dẫn đến việc chấp hành an toàn PCCC ở đây rất hạn chế, thậm chí chủ nhân không chấp hành khi kiểm tra hoặc tuyên truyền PCCC”.

Hiện trên địa bàn Hà Nội chưa có thống kê con số chính xác bao nhiêu nhà xây theo diện chung cư “mi ni”, nhưng trên các trang bất động sản cho thấy riêng các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Long Biên đã có hàng trăm căn nhà xây dạng chung cư “mi ni” kinh doanh, bán và cho thuê.

Tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, riêng khu vực đường Đông Quan lối xuyên sang đường Nguyễn Khánh Toàn, đã có đến vài chục chung cư “mi ni”. Thực tế ghi nhận nguy hiểm hiện hữu, hầu hết lối vào rất nhỏ, chỉ vừa đủ 2 xe máy tránh nhau, nhưng phía trong phình ra tòa chung cư “mi ni” cao 7 đến 9 tầng. Tại sân để phương tiện chật hẹp, không có hệ thống PCCC, lối xe chữa cháy vào lại càng không thể tiếp cận. Trong khi đó có hàng nghìn người sinh hoạt tại đây. Với hiện trạng như chung cư “mi ni” đang có, khi xảy ra hỏa hoạn sẽ rất khôn lường và khi đó trách nhiệm thuộc về ai thì chưa rõ. Do vậy, sẽ chỉ thiệt cho những người mất tiền mua, thuê mà phải ở nơi hiểm họa rình rập.

Chung cư phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy vi phạm an toàn PCCC

Không thẩm duyệt PCCC mà vẫn được xây dựng?

Một điển hình vi phạm về an toàn PCCC tại chung cư “mi ni” thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên. Chung cư “mi ni” này giờ đã bán hết cho người dân, tuy nhiên từ khi xây dựng đến nay không được thẩm duyệt nghiệm thu đã đưa vào sử dụng và đã bị lực lượng Cảnh sát PCCC đưa vào danh sách trong số 19 công tình vi phạm nghiêm trọng và mất an toàn PCCC.

Sau nhiều lần xử phạt vi phạm lỗi không nghiệm thu đưa vào sủ dụng, Cảnh sát PCCC yêu cầu khắc phục tồn tại, nhưng không được bởi do xây dựng theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” nên không đủ điều kiện nghiệm thu. Vì lỗi này Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố có biện pháp mạnh xử lý nghiêm và xem xét trách nhiệm quản lý địa bàn của cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm nghiêm trọng.

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy thuộc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết: “Các chung cư “mi ni” không thẩm duyệt PCCC là do khi xin phép xây dựng họ chỉ xin cấp phép nhà ở hộ gia đình, để không phải làm thủ tục thẩm duyệt PCCC ban đầu. Nếu họ xin phép xây dựng chung cư từ ban đầu, thì nhiều vị trí không thể đủ điều kiện bởi hạ tầng đường tiếp cận xe chữa cháy, phương tiện cứu nạn, cứu hộ khi cần kíp không có".

Một công trình chung cư “mi ni”, hay nhà ở hộ gia đình xây dựng trên địa bàn là không khó phát hiện. Bởi trong quá trình xây dựng có UBND phường sở tại, Thanh tra xây dựng giám sát để kịp thời ngăn chặn, phát hiện sai phạm. Quy trình nhiệm vụ của cơ quan chức năng phường đã rất cụ thể, chi tiết, song vẫn có hàng trăm chung cư “mi ni” xin phép xây dựng hộ gia đình mọc lên. Để khi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và không khắc phục được đã vô hình trung đẩy người mua sử vào thế bí, đi không được mà ở thì không yên tâm.

Theo chỉ huy Cảnh sát PCCC số 3: “Khó nhất là khi đi kiểm tra, rà soát an toàn PCCC đối với loại nhà chung cư “mi ni”. Khi xây xong họ cho người khác trông nom, không có người đứng đầu để phối hợp tuyên truyền an toàn PCCC, ứng cứu khi có sự cố và đặc biệt khi hướng dẫn PCCC thì người dân cũng rất thờ ơ vì không có Ban quản trị đôn đốc, nhắc nhở. Từ tồn tại trên, việc xử lý vi phạm là rất khó khăn, không biết gặp ai để mà xử lý”.

Chung cư tại đường Đông Quan "3 không" với an toàn PCCC

Theo thống kê rà soát của Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, hiện tại có hàng trăm chung cư “mi ni” đạt tiêu chuẩn "3 không" avề an toàn PCCC. Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, lực lượng Cảnh sát PCCC vẫn chủ động tuyên truyền, nhặc nhở người dân tự trang bị thiết bị chữa cháy, nâng cao ý thức, kỹ năng an toàn PCCC để tự cứu mình.

Tại cuộc họp vừa qua với UBND thành phố Hà Nội về việc đưa ra giải pháp hạn chế tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ chung cư, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố  Hà Nội cảnh báo: “Hiện nay các chung cư tiềm ẩn nguy cơ cao cháy nổ, sở dĩ có vấn đề này do chủ đầu tư và người dân còn chưa tuân thủ an toàn PCCC, đặc biệt với chung cư “mi ni” không cải thiện, khắc phục được hệ thống, điều kiện an toàn PCCC cần phải xử lý nghiêm. Trước mắt khuyến cáo người dân không nên mua bán, thuê mượn những nơi không đủ điều kiện an toàn PCCC”.