Nhiều chính sách quan trọng về trả lương hưu, kinh doanh vận tải sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 4/2020

ANTD.VN -Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải lắp thiết bị giám sát hành trình, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua bưu điện, cấm lập hội nhóm, bè phái khi bị giam giữ…là những quy định quan trọng có hiệu lực thi hành từ tháng 4/2020.

Công văn 972/BHXH-TCKT do BHXH Việt Nam ban hành về việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp hằng tháng qua hệ thống Bưu điện trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, đối với việc tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp hằng tháng bằng tiền mặt từ tháng 4/2020, người hưởng cần chủ động lựa chọn thời gian phù hợp theo thông báo của cơ quan Bưu điện, mang theo Thẻ chi trả đến các Bưu cục để nhận tiền.

Ngoài ra, cơ quan Bưu điện cũng sẽ tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp hằng tháng tận nhà đối với người hưởng lương hưu, người hưởng trợ cấp BHXH từ 80 tuổi trở lên; người hưởng dưới 80 tuổi ốm đau, đi lại khó khăn, không tự đến hoặc không ủy quyền cho người khác; người hưởng bị bệnh mãn tính đang được điều trị ngoại trú…

Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định, từ 1/4/2020, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.

Từ 1/4/2020, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải lắp thiết bị giám sát hành trình (ảnh minh họa)

Theo Thông tư 17/2020/TT-BCA của Bộ Công an về nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân), từ 3/4/2020 nghiêm cấm phạm nhân có hành vi lập hội, nhóm, bè phái dưới mọi hình thức; có thái độ, lời nói, hành vi thiếu văn hóa, gây gổ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Trong thời gian bị giam giữ, phạm nhân cũng bị nghiêm cấm lưu trữ, sử dụng các loại sách, báo, tài liệu, phim, băng, đĩa, thiết bị lưu trữ điện tử, văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh; truyền bá văn hóa, tư tưởng có nội dung phản động, đồi trụy hay các hành vi quan hệ đồng tính, tình dục, dâm ô giữa phạm nhân với nhau hoặc với người khác…

Thông tư 16/2020/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng.

Theo đó, từ 8/4/2020, thời hạn đình chỉ công tác đối với người vi phạm kỷ luật  đã tăng lên ở mức không quá 3 tháng. Trường hợp đặc biệt do có nhiều tình tiết phức tạp cần được làm rõ thì có thể kéo dài nhưng không được quá 5 tháng.  Thông tư được áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng…

Theo Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn việc giải quyết tranh chấp tài sản chung dòng họ, từ 10/4/2020, thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Nghị định 18/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ nêu rõ, từ 1/4/2020 mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cùng hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.