Nhật Bản khó ngăn những cái chết vì lao động quá sức

ANTĐ -Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi bằng việc đưa ra một dự luật cho phép một số lao động tự thu xếp công việc, không cần tuân thủ giờ giấc. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng luật này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng “karoshi” – người làm việc đến chết - ở nước này.
Nhật Bản khó ngăn những cái chết vì lao động quá sức ảnh 1

Hệ lụy  từ làm việc quá sức

Teruyuki Yamashita là người biết rõ những rủi ro do làm việc quá sức. Người đàn ông đã 53 tuổi này từng làm  nhân viên bán hàng cao cấp, đã có vô số chuyến công tác nước ngoài và chỉ ngủ khoảng 3 tiếng mỗi đêm. 6 năm trước, tốc độ làm việc điên cuồng đã khiến ông suýt tử vong khi bất tỉnh vì bị xuất huyết não. “Tôi đã nói với y tá rằng ở đây quá tối. Tôi không nhận ra mình đã bị mù” – Yamashita đau buồn kể lại thời điểm ông tỉnh lại trong bệnh viện.

Hàng năm ở Nhật Bản ghi nhận hàng trăm ca tử vong liên quan tới làm việc quá sức, chủ yếu do đột quy, đau tim hay tự sát vì căng thẳng. Theo Harris Interactive, một công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu ở Mỹ, người lao động Nhật Bản được hưởng khoảng 18 ngày nghỉ một năm, gần với mức trung bình toàn cầu là 20 ngày, chưa kể các dịp nghỉ lễ, nhưng thực tế, người Nhật lại sử dụng ngày nghỉ ít nhất thế giới. 

Khoảng 22,3% người lao động Nhật Bản mỗi tuần làm việc từ 50 tiếng trở lên, cao hơn 12,7% so với lao động tại Anh, 11,3% so với tại Mỹ và 8,2% so với tại Pháp, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế. Trang Bloomberg dẫn nhận định của  Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy, người Nhật làm việc tăng ca trung bình 173 giờ trong năm 2014, nhiều hơn 18 giờ so với 10 năm trước.

Công việc được cho là một phần yếu tố gây ra 2.323 vụ tử tự tại Nhật năm 2013 và con số này cao nhất là vào năm 2011 với 2.689 vụ tự tử.Giáo sư Shigeru Waki thuộc trường Đại học Ryukoku cho biết, rất nhiều người tử vong hoặc mắc bệnh do làm việc quá sức, nhưng điều này rất khó chứng minh. Từ những năm 1990, Chính phủ Nhật Bản mở rộng định nghĩa cho từ “karoshi”, bao gồm tự tử do làm việc quá sức.

Bên cạnh đó, làm việc quá sức không chỉ tác động xấu tới sức khỏe và tâm lý của một mình người lao động, mà còn kéo theo các vấn đề liên quan tới gia đình của họ. Cuộc khảo sát của một cơ quan thuộc Chính phủ Nhật Bản vào năm 2013 đã phát hiện, 1/5 ông bố trẻ ở Nhật chỉ dành 1 tiếng cho con cái hàng ngày. Điều tra này cũng cho biết, tỷ lệ đàn ông Nhật nghỉ phép khi vợ đẻ chưa đến 3%. 

Vẫn “rối” trong chính sách 

Chính phủ Nhật Bản đang hy vọng giảm tỷ lệ lao động làm việc từ 60 tiếng trở lên mỗi tuần xuống ít hơn 5% vào năm 2020, để hạn chế số ca tử vong do lao động quá sức trong hàng thập kỷ qua ở nước này. Hồi tháng 4-2015, nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ủng hộ một dự luật cho phép những nhân viên  văn phòng thu nhập 10,75 triệu yên mỗi năm, chẳng hạn như nhà kinh doanh và tư vấn tài chính, không cần tuân theo quy định giờ làm việc.

Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông Abe đang hy vọng dự luật này sẽ được Quốc hội thông qua. Những người ủng hộ dự luật cho rằng, sự thay đổi này sẽ là phần thưởng cho nhân viên làm việc hiệu quả dựa trên năng lực, chứ không dựa theo số giờ làm việc và cho phép họ sử dụng linh động thời gian ở văn phòng.

Nếu họ hoàn thành công việc nhanh chóng, họ có thể về sớm hoặc đến muộn. Theo những người ủng hộ, dự luật không mang tính ép buộc nhưng người lao động thống nhất với nhà tuyển dụng, thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng, theo dự luật thì nhiều lao động sẽ không được trả thêm tiền, ngoài lương chính của họ dù đã tăng ca.

Theo Giáo sư Koji Morioka thuộc trường Đại học Kwansei Gakuin, điều này có thể làm tăng thêm số ca tử vong liên quan đến làm việc quá sức và gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe. Ông Morioka cho rằng, dự luật đi ngược lại tinh thần của một luật được thông qua vào năm ngoái với mục đích ngăn chặn những cái chết do thời gian làm việc quá dài.