Nhan nhản “khách sạn ung thư” ở Trung Quốc

ANTĐ - Tòa nhà 5 tầng màu xám nằm ở góc phía đông nam đường Nhị Hoàn, Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc là một trong những “khách sạn ung thư” đang mọc lên như nấm tại thành phố này. Người bệnh không tin tưởng vào hệ thống y tế tuyến dưới đã đổ dồn về bệnh viện tuyến trên và phải ở trong các “khách sạn ung thư” để chờ chữa bệnh.

Nhan nhản “khách sạn ung thư” ở Trung Quốc ảnh 1Một bệnh nhân ung thư đang tá túc tại căn phòng trọ ở phía tây Bắc Kinh để chờ đợi điều trị

Vay nợ để vượt tuyến

Gọi là “khách sạn” nhưng thực tế tòa nhà này chỉ có các phòng trọ chật hẹp và lúc nào cũng chật kín người thuê vì có lợi thế ở gần bệnh viện lớn, bệnh nhân ung thư vượt tuyến có thể thuê trọ ở đây trong thời gian khám chữa bệnh. Bà Tôn Ngọc là một trong số nhiều người bệnh đang tá túc tại đây.

Vợ chồng bà Tôn thuê một phòng trọ vẻn vẹn 10m2, không có cửa sổ, với giá 40 NDT/ngày để bám trụ lại Bắc Kinh điều trị. Ở tuổi 64, bà Tôn mắc ung thư buồng trứng. Từ năm 2012, bà và chồng bắt đầu cuộc hành trình từ quê nhà ở tỉnh Hà Bắc tới bệnh viện ung bướu thuộc Viện khoa học y khoa Trung Quốc (gọi tắt là bệnh viện ung bướu Bắc Kinh). Mỗi lần tới Bắc Kinh chữa bệnh trong vài tháng, vợ chồng bà Tôn phải di chuyển 250km, sống trong phòng trọ giá rẻ gần viện. Khi được chẩn đoán mắc ung thư cách đây 3 năm, các bác sĩ ở Hà Bắc nói rằng bà chỉ có thể sống được 2 năm nữa.

“Con trai tôi nói đến điều trị tại một bệnh viện ở Bắc Kinh là hy vọng cuối cùng” - bà Tôn cho biết. Bà là một trong số 700 bệnh nhân, hầu hết là người ngoại tỉnh tới Bắc Kinh, xếp hàng hàng tuần ở bệnh viện ung bướu Bắc Kinh - nơi nổi tiếng là trung tâm điều trị ung thư hàng đầu ở Trung Quốc. Với số giường bệnh hạn chế, hầu như bệnh nhân điều trị tại đây đều phải sống trong các “khách sạn ung thư”. Nội thất phòng trọ dạng này thường rất sơ sài, chỉ có một cái bàn và một chiếc giường.

Trong tình cảnh như bà Tôn Ngọc, Trương Thanh Hương, đến từ tỉnh Sơn Đông cũng bị ung thư buồng trứng. Ban đầu cô Trương khám tại bệnh viện địa phương nhưng không phát hiện bệnh, đến khi chẩn đoán ra thì bệnh đã nặng. “Khi bệnh viện địa phương chẩn đoán ra ung thư thì bệnh đã ở giai đoạn cuối, các tế bào ung thư đã di căn. Tôi không thể tin tưởng những bác sĩ ở đó nữa và quyết định đến Bắc Kinh để điều trị” – bệnh nhân này cho biết.

Việc kiểm ra, chẩn đoán ung thư ở giai đoạn sớm vẫn còn khá đắt đỏ và thực hiện hạn chế tại một vài bệnh viện ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Hầu như người dân ở vùng nông thôn xa xôi không có cơ hội được chẩn đoán căn bệnh tử thần này từ sớm. Thực tế, chính phủ Trung Quốc đã triển khai Hệ thống y tế hợp tác nông thôn mới (NCMS) từ năm 2003 nhằm bù đắp một phần chi phí y tế đắt đỏ cho người dân. Theo chương trình NCMS trong năm nay, bệnh nhân ung thư có thể được giảm 50-80% chi phí nếu chữa trị tại bệnh viện địa phương, và giảm 35% chi phí khi điều trị ở các bệnh viện tỉnh khác. 

Chấp nhận chỉ được hỗ trợ thấp, những bệnh nhân như bà Tôn và cô Trương đến các bệnh viện tuyến trên điều trị để tránh rủi ro chẩn đoán sai ở bệnh viện tuyến dưới. “Tôi phải ở đây để chữa bệnh, nhưng đang không biết vay tiền ai. Tôi đã vay hơn 80.000 NDT”  - chồng bà Tôn than phiền về khoản nợ viện phí. Họ đã chi hơn 200.000 NDT để chữa bệnh và chương trình NCMS hỗ trợ cho họ khoảng 60.000 NDT. Trong khi đó, cô Trương Thanh Hương cho biết, chương trình NCMS chỉ giúp cô trả được 20-30% tiền viện phí ở Bắc Kinh. Theo chồng cô, họ đã đến Bắc Kinh được 3 ngày và hàng ngày toàn ăn thực phẩm khô mang sẵn từ nhà. Trong khi vợ chồng bà Tôn cũng chỉ dám tiêu 10 NDT/ngày cho 3 bữa ăn.

Nhu cầu còn tăng mạnh

Ung thư phổi, ruột và vú đang gia tăng tại Trung Quốc. Cùng với đó, những phòng trọ không xa bệnh viện ở thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh cũng nở rộ. Những “khách sạn” này giúp người bệnh tiếp cận gần hơn các dịch vụ y tế, cung cấp cho họ nơi nghỉ ngơi, nấu ăn và chia sẻ tiền phòng với bệnh nhân ở cùng. “Khách sạn ung thư” nằm trong “vùng xám” của pháp luật, nhưng nhiều khi bệnh nhân tới viện khám, một số bác sĩ cũng giới thiệu họ ra ở đây bởi bệnh viện đã quá tải. 

Trần Thục Hồng, chủ một “khách sạn ung thư”, cho biết bà nhận thấy nhu cầu thuê phòng từ hơn một thập kỷ trước. Bà bắt đầu với căn phòng đầu tiên được một người bác để lại sau khi ông qua đời vì ung thư phổi. Hiện, bà Trần đã có 10 phòng cho bệnh nhân ung thư thuê. Bà Trần cho hay, “chỉ cần có người thuê là tôi cho thuê phòng. Nếu chính quyền không cho phép, thì tôi sẽ thôi kinh doanh. Nhưng nhiều người mắc bệnh này nên chắc chắn thị trường vẫn còn nhu cầu”.

Thực tế, ngoài bà Trần, rất nhiều người nhận ra xu hướng này và chắc chắn số lượng “khách sạn ung thư” tại Trung Quốc sẽ còn tăng lên. Đặc biệt khi, ông Trần Trúc, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế nước này tuyên bố, “Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc chiến chống ung thư”.

Theo ông Đới Dân, một nhà nghiên cứu ở Trung tâm ung thư quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ mắc ung thư ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong 20 năm tới. Năm 2012, khoảng 3 triệu người Trung Quốc mắc ung thư, chiếm 1/5 ca bệnh trên thế giới, trong khi những bệnh nhân chết vì ung thư là 2,2 triệu người, chiếm 1/4 số người tử vong vì căn bệnh này toàn cầu.

Một dự báo của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế cho biết, nếu không có các biện pháp hiệu quả, con số mắc và tử vong vì ung thư tại Trung Quốc sẽ lên mức 4 triệu và 3 triệu người vào năm 2020, và năm 2030 là 5 triệu và 3,5 triệu người. Tháng 1 vừa qua, Diệu Bối Na - ca sĩ nổi tiếng của Trung Quốc đã qua đời vì căn bệnh ung thư vú khi mới 33 tuổi.