Nhân lực ngành công nghệ thông tin: Yếu cả chất và lượng

ANTD.VN - Ngành công nghệ thông tin đang bước vào thời kỳ tăng trưởng nóng bởi nhu cầu tuyển dụng nhiều, lương hấp dẫn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhân lực trong lĩnh vực này hiện chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.

Để tận dụng cơ hội, Việt Nam cần tăng cường đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Theo khảo sát của VietnamWorks (một trang web tuyển dụng tại Việt Nam) về ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam, trong 3 năm qua, số lượng công việc trong ngành này đã tăng trung bình 47% mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này lại chỉ tăng ở mức trung bình 8%.

Theo các chuyên gia, ước tính nếu nhân lực công nghệ thông tin tiếp tục tăng trưởng ở mức 8% như hiện nay, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực công nghệ thông tin mỗi năm và đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500.000 nhân lực công nghệ thông tin.

Đây là một thách thức rất lớn, nhưng cũng là cơ hội để các tổ chức giáo dục, giới nhân sự và chính các nhân viên công nghệ thông tin cùng góp sức đưa ra những giải pháp tốt nhất để đem đến nhiều nhân sự chất lượng hơn cho thị trường việc làm.

Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, T.S Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, nguồn nhân lực công nghệ hiện nay vẫn còn mỏng về số lượng, yếu về chất lượng. Ngoài ra, lao động Việt Nam kỹ năng tiếng Anh rất kém, đấy là chưa kể các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình dự án.

Dự báo, với việc hội nhập sâu, rộng như hiện nay, cùng với sự ứng dụng công nghệ thông tin ở nhiều lĩnh vực của đời sống, nhu cầu nhân lực trong ngành này có thể tăng mạnh với hơn 6 triệu việc làm trong thời gian tới.

Do vậy, để đón đầu cơ hội, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tăng cường đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặt tiêu chí, tầm nhìn về việc phát triển thế nào cũng như hoàn thiện văn bản pháp quy trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng nghề và hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đào tạo, giảng viên hướng dẫn, nghiên cứu, thay đổi chương trình đào tạo phù hợp với thực tế. Trong khi đó, các trường đại học phải thay đổi mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp dạy và học, nâng cao trình độ giảng viên.