Nhà vệ sinh công cộng - những hình ảnh nhếch nhác, khó chịu (1): Mới hay cũ đều bốc mùi khó chịu

ANTD.VN - Trong vai các du khách tới Hà Nội tham quan, nhóm phóng viên Báo ANTĐ đã tận mắt thấy sự bất cập của các nhà vệ sinh công cộng trong khu vực phố cổ và vùng phụ cận. Dù mới hay cũ, được dọn dẹp hàng ngày, nhưng hầu hết các nhà vệ sinh này đều khiến người dùng  ngần ngại vì… bẩn. 

Nhà vệ sinh công cộng - những hình ảnh nhếch nhác, khó chịu (1): Mới hay cũ đều bốc mùi khó chịu ảnh 1Nhà vệ sinh nhếch nhác trên đường Yên Phụ

“Dù bẩn nhưng có vẫn còn hơn không”

Bắt đầu từ hồ Hoàn Kiếm, nơi đây có 3 nhà vệ sinh công cộng được đặt rải rác từ khu vực trạm xe điện rồi đến phố Lê Thái Tổ và khu vực đối diện trụ sở Điện lực Hà Nội. Vốn là nơi tập trung đông người nên các nhà vệ sinh này thường rơi vào tình trạng quá tải. Kể cả ngày thường thì lượng khách sử dụng dịch vụ của các nhà vệ sinh này vẫn rất đông. 

Theo quan sát của phóng viên, nhân viên nơi đây dọn dẹp liên tục, nhà vệ sinh có đủ giấy vệ sinh, nước tẩy rửa… Thế nhưng, mới chỉ đứng ngoài cửa, du khách đã phải che mũi vì… mùi. Chưa kể, nhà vệ sinh này sử dụng các bồn cầu xổm. Dẫu vậy, “trong lúc bí bách, có vẫn còn hơn không” là lời chia sẻ của một du khách khi tới với khu vực hồ Hoàn Kiếm để dạo chơi. 

Từ khu vực Hàng Ngang, Hàng Đào tới những con phố kế tiếp, thật hiếm hoi để tìm được một nhà vệ sinh công cộng. Nhờ những người dân phố cổ, tôi được chỉ vào một nhà vệ sinh công cộng trên phố Hàng Bồ. Nhưng nhà vệ sinh này “có chỉ để làm vì”, vì bị người dân dùng xe đẩy hàng, thùng xốp chặn cửa, thậm chí dùng túi nilon buộc từ cửa bên này sang cửa bên kia nhằm không cho ai sử dụng. 

Đồng thời cách làm này cũng nhằm che khuất tầm nhìn của những người đang tìm kiếm nhà vệ sinh. Đứng ngần ngừ một lúc, nhìn trước ngó sau không thấy bóng dáng của một nhân viên vệ sinh nào, chúng tôi quay sang hỏi chị bán hàng bên cạnh rằng, nhà vệ sinh này có sử dụng được không? Chị bán hàng đang nói chuyện với khách bỗng quay sang lườm, rồi  cau có trả lời như quát: “Không nhìn thấy cửa bị chặn à mà còn hỏi? Nhà vệ sinh này hỏng rồi, mà ai cũng như cô đi vào đây thì còn ai bán hàng được nữa. Nhà vệ sinh này chỉ sử dụng buổi tối thôi”. 

Nhà vệ sinh công cộng - những hình ảnh nhếch nhác, khó chịu (1): Mới hay cũ đều bốc mùi khó chịu ảnh 2Nhà vệ sinh chợ Đồng Xuân có diện tích khá nhỏ hẹp 

Nơi quá tải, nơi “vắng như chùa bà Đanh”

Chúng tôi đang định hỏi thêm, sao nhà vệ sinh hỏng mà buổi tối lại sử dụng được thì chị bán hàng lại hất hàm, lần này quát thật, nhằm đuổi càng sớm càng tốt những vị khách như tôi và người bạn đồng hành. Trước thái độ quyết liệt của người bán hàng không cho sử dụng nhà vệ sinh, chúng tôi buộc phải chuyển sang một con phố khác để tìm nơi giải quyết nhu cầu. Tiếp tục vòng vèo qua vài con phố, hỏi hết người này tới người khác, chúng tôi tìm thấy một nhà vệ sinh công cộng trên phố Lương Ngọc Quyến và một nhà vệ sinh trên phố Gia Ngư. Cũng giống như nhà vệ sinh ở hồ Hoàn Kiếm, các nhà vệ sinh này bị quá tải và chắc phải là những người bất đắc dĩ mới sử dụng. 

Tại chợ Đồng Xuân nhà vệ sinh lại khá nhỏ hẹp, được xây dựng với 2 gian dành cho nam và nữ. Trong khi ngoài trời nắng ráo, sạch sẽ thì nhà vệ sinh lại ẩm ướt, lép nhép, bốc mùi hôi hám. Những vết giày đi từ ngoài đường tạo thành một vệt đen trên nền nhà vệ sinh. Đồng thời, ý thức sử dụng nhà vệ sinh của người Việt cũng rất kém. Giấy vệ sinh vứt bừa bãi dù có thùng rác. Bà Nguyễn Thị Chỉnh - một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết, cảm thấy buồn nhất với ý thức sử dụng nhà vệ sinh hiện nay. Việc thu phí sử dụng 2.000 đồng tại đây không làm bà cảm thấy khó chịu. Nhưng nếu đánh giá về thang điểm chất lượng nhà vệ sinh công cộng, bà chỉ chấm cho 5/10 điểm. 

Tại khu vực phố Yên Phụ nối sang Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư thì  mật độ các nhà vệ sinh khá dày. Tuy vậy, không phải nhà vệ sinh nào cũng sử dụng hết công suất, thậm chí có những công trình “vắng như chùa bà Đanh”. Nhìn từ bên ngoài, chắc nhiều người cũng như tôi đều cảm thấy ái ngại trước vẻ ngoài hoen gỉ, rác chất xung quanh cửa ra vào của các nhà vệ sinh này.  Điển hình như nhà vệ sinh gần bến xe buýt Yên Phụ này. Cả bồn rửa tay và bệt ngồi đều hoen gỉ, ố vàng . 

Nhà vệ sinh công cộng - những hình ảnh nhếch nhác, khó chịu (1): Mới hay cũ đều bốc mùi khó chịu ảnh 3Nhà vệ sinh ở phố Hàng Bồ bị người dân chặn cửa

Đi lùi về phía đường Yên Phụ thêm một đoạn nữa, tới gầm cầu Long Biên, tôi và người bạn đồng hành đã bất ngờ với một nhà vệ sinh khác vì ngay từ bên ngoài nó đã được lau dọn sạch sẽ, bên trong nhà vệ sinh thì chậu rửa tay và bệt được cọ cẩn thận. Chị Dương Minh Lan, công nhân vệ sinh phụ trách cho biết “Cứ khi nào bẩn thì tôi dọn luôn vì chỉ một người cũng bẩn rồi. Hết giấy hay nước vệ sinh thì tôi bổ sung ngay. Nhưng sẽ tốt biết mấy khi người dùng không phải múc nước từ thùng chứa bên cạnh để dội vì vòi nước cũng trong tình trạng hỏng”. 

Đây cũng là thực trạng chung của các nhà vệ sinh công cộng trong khu vực quận Hoàn Kiếm. Có nơi thùng nước để bên ngoài, có nơi thùng nước để bên trong. Chúng tôi ám ảnh vô cùng với chiếc thùng đựng nước của một nhà vệ sinh công cộng ở Cổ Tân: Màu xanh đã bạc đi vì thời gian, nếu ấn tay mạnh một chút là có thể gãy ngay. Bên trong nước đen kít, rêu mốc mọc xanh nên hình như không ai dám động vào chiếc thùng đựng nước này.

Các nhà vệ sinh công cộng do Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) đảm nhận đều miễn phí với người sử dụng. Nhưng việc đi vệ sinh mất phí thực ra vẫn đều đặn diễn ra. Các công nhân thì luôn giải thích rằng, đó là tùy tâm của du khách, nhưng  lúc tôi đứng tại nhà vệ sinh Cổ Tân thì chị dọn dẹp ở đây đã săn đón vị khách ngay trước cửa để thu tiền… 

Dù nhà vệ sinh có đủ giấy vệ sinh, nước tẩy rửa… Thế nhưng, mới chỉ đứng ngoài cửa, du khách đã phải che mũi vì… mùi. Chưa kể, nhà vệ sinh này sử dụng các bồn cầu xổm. Dẫu vậy, “trong lúc bí bách, có vẫn còn hơn không” là lời chia sẻ của một du khách khi tới với khu vực hồ Hoàn Kiếm để dạo chơi. 

(Còn tiếp)