Nhà hàng không đóng cửa theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 có thể bị phạt tới 10 triệu đồng

ANTD.VN -Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, Hà Nội và TP.HCM đã ban hành văn bản đề nghị các nhà hàng, cửa hiệu đóng cửa để tránh tập trung đông người. Bên cạnh những cá nhân tự giác chấp hành thì vẫn có một số chủ cửa hàng cố tình mở cửa kinh doanh, gây nguy hiểm cho chính bản thân và cộng đồng.

Tại Công văn 905/UBND-VX, chính quyền TP.HCM đã yêu cầu tạm ngừng hoạt động các rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu kể từ 18 giờ ngày 5/3- hết 31/3/2020.

Theo đó, có 180 vũ trường, bar, beer club; gần 500 quán karaoke, massage, rạp chiếu phim, game online phải đóng cửa trong thời hạn trên. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 24/3, UBND Thành phố tiếp tục có Công văn 1049/UBND-TH yêu cầu toàn bộ các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có công suất phục vụ từ 30 người trở lên, câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh phải tạm dừng hoạt động từ 18 giờ ngày 24/3/2020 đến hết 31/3/2020.

Sau thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/3, Hà Nội cũng đã ban hành Công văn hỏa tốc 1001/UBND-KGVX về việc tạm đóng cửa các cơ sở dịch vụ kinh doanh dịch vụ không cần thiết như dịch vụ karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, sân vận động, các môn thể thao đông người...để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người, trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày.

Văn bản này cùng yêu cầu hạn chế tối đa việc tập trung tại các đám hiếu, hỷ, giỗ, liên hoan sinh nhật, gặp mặt đông người khác.

Về hành vi phớt lờ chỉ đạo của chính quyền địa phương, cố tình không đóng cửa nhà hàng, quán ăn, phòng hát để phòng dịch Covid-19, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Covid-19 là dịch bệnh hô hấp thuộc nhóm A. Chính quyền các địa phương có đủ cơ sở để ban hành biện pháp đóng cửa nhà hàng, dịch vụ công cộng nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.

Cá nhân, tổ chức không chấp hành việc đóng cửa sẽ bị xử lý hành chính theo Khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Cụ thể, chủ cơ sở kinh doanh có một trong các hành vi: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng...sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.