"Nhà báo láo" vòi tiền: Khi quyền lực thứ 4 bị vấy bẩn…

ANTD.VN - Con gái bị “yêu râu xanh” 76 tuổi xâm hại là một nỗi đau quá lớn. Khi nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, gia đình đáng thương ấy lại phải chịu thêm đòn xát muối mạnh vào lòng, từ một kẻ tự nhận là… nhà báo.

15 triệu đồng một bài, đăng bài trên 20 tờ báo lớn thì tổng số tiền phải trả là 300 triệu đồng. Đó là lời “chào hàng” của một kẻ tự nhận là nhà báo với cái tên Hồng, để đảm bảo đăng loạt bài viết về vụ con gái của chị T. ở TP Vũng Tàu bị một “yêu râu xanh” 76 tuổi xâm hại tình dục.

Tại sao bị hại là trẻ nhỏ - đối tượng được cả xã hội bảo vệ, che chở - mà gia đình lại phải mất tiền để… “được” đăng báo?

Tại sao có kẻ lại cho rằng gia đình ấy nếu… “không có những người như anh vào cuộc, để xem em có làm nổi việc gì không nhé”???

Thật là bỉ ổi và vô lương tâm!

Đồng tiền khiến một số người cầm bút trở nên... vô lương tâm

Sự việc trên làm tôi nhớ lại cách đây hơn 1 năm, khi nhận vai trò là phóng viên đi viết bài về đơn thư khiếu nại của bạn đọc, tôi đã có kỷ niệm xót xa với cái nghề cầm bút của mình.

Những bức xúc của người dân trong cuộc sống thường nhật, nghe qua tưởng là vụn vặn, như một công ty xây lấn quy định làm bịt hết không gian phía sau khu tập thể, con đường mới làm lại bị một nhà dân bít thành đường cụt… nhưng quả thực, có ngồi với họ, mới thấy sự việc tưởng nhỏ đó có ảnh hưởng lớn thế nào tới mọi người.

Sau khi ghi nhận thông tin phản ánh từ người dân, tôi chào từ biệt thì thấy tất cả ông bà trong buổi nói chuyện trở nên rụt rè kỳ lạ. Họ đã phải lí nhí mà rằng “ông bà đã về hưu cả rồi, không có nhiều… Mong anh thông cảm!”

Đó là một trong những khoảnh khắc sững sờ và xót xa của người cầm bút. Sự việc của họ hoàn toàn chính đáng để viết bài trong chuyên mục mà tôi phụ trách. Vậy mà từ bao giờ, những người dân như họ nghĩ rằng phải có tiền, bài viết mới lên được mặt báo. Có phải từ khi xuất hiện những “nhà báo láo” như kẻ tự nhận tên Hồng ở trên hay không?

Sau đó, còn vài lần tôi gặp lại sự rụt rè tương tự, và tôi biết rằng những người dân ấy, đã từng trực tiếp hoặc nghe kể lại, về cái sự “phải trả tiền” để được đăng báo.

Với cá nhân một người cầm bút như tôi, hoặc với bất kỳ người làm báo nào tôn trọng nghề viết của mình, thì việc “giúp đỡ” bị hại kèm điều kiện vật chất quả là một sự bỉ ổi và vô lương tâm, xin nhắc lại lần thứ 2 như thế.

Đoạn tin nhắn vòi tiền của "nhà báo Hồng"

Bỉ ổi, vô lương tâm trong bất kỳ nghề nghiệp nào cũng là tồi tệ, nhưng với nghề báo, dường như nó còn thêm phần tồi tệ hơn, khi trong xã hội của chúng ta, không ít người vẫn dành rất nhiều sự tôn trọng cho các nhà báo. Và đừng quên, báo chí thường được ví như “quyền lực thứ 4” trong xã hội!

Không rõ kẻ tự xưng là “nhà báo Hồng” kể trên có thẻ nhà báo, thẻ phóng viên, hay bất kỳ thứ gì chứng minh anh ta là một người cầm bút không, nhưng chắc chắn, xét theo lương tâm nghề nghiệp thì đó là một kẻ cầm “dao”, chứ không phải là “bút”.

Mặc dù sự việc hiện vẫn đang được điều tra, nhưng tôi tin là, tất cả những người làm báo có tâm sẽ cảm thấy mình có một phần trách nhiệm để tìm ra kẻ đã vấy bẩn “quyền lực thứ 4” đó.

Nếu bạn là một bị hại trong sự việc gây bức xúc nào đó, và đứng trước mặt bạn đang là một “nhà báo” đề nghị phải có tiền thì mới viết bài, xin hãy tố cáo con người ấy. Đó là cách để chúng ta nỗ lực gột rửa vết bẩn mà một số kẻ vô lương tâm đã vấy vào nghề báo!