Nguyên nhân và cách xử lý khi chảy máu chân răng

ANTD.VN - Chảy máu chân răng khi đánh răng hay xỉa răng là một tổn thương răng rất thường gặp. Hầu hết mọi người đều chủ quan và cho rằng hiện tượng này không đáng lo ngại. 

Nguyên nhân 

Nguyên nhân và cách xử lý khi chảy máu chân răng ảnh 1Chảy máu chân răng có thể là bệnh răng miệng nhưng cũng là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng

Bệnh bạch cầu. Một dạng ung thư trong máu hoặc tủy xương biểu hiện là thiếu thành phần đông máu. Như vậy, chảy máu lợi có thể chỉ ra sự hiện diện của nó.

Suy dinh dưỡng. Lợi chảy máu có thể cho biết sự thiếu hụt chất dinh dưỡng và có thể được sửa chữa bằng cách thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh.

Thiếu vitamin. Thiếu vitamin C trong chế độ ăn hàng ngày, ngoài chảy máu chân răng, người bệnh còn gặp các triệu chứng như ngủ lịm, khó thở và đau xương. Ngoài ra, vitamin K có vai trò quan trọng trong việc đông máu, vì thế quá ít vitamin này có thể dẫn đến chảy máu chân răng bất thường.

Viêm lợi. Nguyên nhân chủ yếu gây viêm lợi là do vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện cho các mảng bám, cao răng hình thành. Các mảng bám và cao răng ở lại trên răng gây kích thích lên lợi, chân răng. Theo thời gian, lợi trở nên sưng và dễ chảy máu.

Viêm nha chu. Đây là giai đoạn nặng của bệnh viêm lợi. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là chảy máu chân răng. Ở giai đoạn nặng xuất hiện vôi đóng xung quanh chân răng, răng lung lay…

Áp xe chân răng. Áp xe răng là ổ mủ gây ra do nhiễm trùng bởi vi khuẩn ở phần trong của răng. Áp xe chân răng thường xảy ra như là kết quả của viêm hốc răng không được điều trị, hoặc răng bị thủng, vỡ cho phép vi khuẩn tấn công vào sâu bên trong. Khi răng lợi liên tục đau nhói, chân răng chảy nhiều máu, người lên cơn sốt, sưng tấy vùng mặt là khi các túi áp xe trở nên trầm trọng.

Tiêu xương chân răng. Tiêu xương chân răng sẽ dẫn đến nhiều vấn đề răng miệng cũng như thẩm mỹ của khuôn mặt như tụt nướu, răng xô lệch, nghiêng vẹo, tiêu xương hàm, móm và khuôn mặt già đi nhiều hơn so với tuổi.

Cách xử trí 

Nếu bạn thường xuyên chảy máu chân răng, cần có các biện pháp làm sạch kẽ răng và bảo vệ lợi, sử dụng nước muối sinh lý hay các loại nước súc miệng thảo dược. Kiểm tra răng định kỳ; đánh răng đúng cách, ít nhất hai lần một ngày; dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn; ngừng hút thuốc lá… Ngoài ra, nên bổ sung trong chế độ ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C, canxi...