Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai khó ngủ

ANTD.VN - Khó ngủ, mất ngủ là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang thai gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ và bé. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này?

Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai khó ngủ ảnh 1Nằm nghiêng bên trái sẽ khiến phụ nữ mang thai dễ chịu hơn khi ngủ

Tiểu đêm

Một nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai ngủ không ngon giấc là tiểu đêm. Điều này thường thấy nhất ở phụ nữ đang trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Nguyên nhân của tình trạng này là do trong thời kỳ mang thai, tổng lượng máu lưu thông trong cơ thể phụ nữ tăng lên 50%, đồng nghĩa với việc trong máu tồn dư nhiều hợp chất không cần thiết, khi qua bộ máy lọc của thận, sẽ đi xuống bàng quang và được bàng quang tống xuất ra ngoài thông qua đường nước tiểu.

Mặt khác, khi nằm ngủ chất lỏng ở chân thường có xu hướng quay trở lại mạch máu và bàng quang nhiều hơn. Cả hai hiện tượng này cùng lúc xảy ra khiến phụ nữ mang thai thường xuyên buồn đi vệ sinh vào ban đêm. Khi quá trình mang thai tiến triển, tử cung đang phát triển đẩy bàng quang xuống, để lại rất ít không gian để lưu trữ nước tiểu. 

Nằm kiểu gì cũng không thoải mái

Đối với phụ nữ mang thai thì nằm nghiêng sang bên trái là vị trí nằm tốt nhất. Tuy nhiên, nếu cả đêm cứ giữ nguyên tư thế đó sẽ rất khó chịu, toàn thân đau nhức, đặc biệt 3 tháng cuối của thai kỳ. Để ngủ ngon, phụ nữ mang thai nên dùng gối khi ngủ. Mất ngủ có thể xảy ra do các lý do khác nhau như hormone thai kỳ và tâm trạng lo lắng.

Ợ nóng

Ợ nóng là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai. Ợ nóng xảy ra bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhưng đặc biệt tăng lên vào ban đêm, vì khi nằm xuống sẽ dẫn đến sự trào ngược dạ dày nhiều hơn. Điều này xảy ra khi các 

hormone được giải phóng trong thời kỳ mang thai làm giãn các cơ trong dạ dày. Để khắc phục, nên tránh thực phẩm có cay nóng và dầu mỡ. Nên ăn trước 2 giờ khi đi ngủ. 

Chuột rút chân

Do trọng lượng cơ thể ngày càng tăng lên, gây áp lực nhiều hơn tới các cơ bắp ở chân nên phụ nữ mang thai rất dễ bị chuột rút, đặc biệt là về đêm. Đây cũng là một trong những lý do gây mất ngủ, khó ngủ. Tình trạng chuột rút cũng có thể do thiếu canxi. Điều này khiến cơ bắp đau nhức, dễ căng cứng cơ, co rút,…

Theo các chuyên gia y tế, thức ăn giàu canxi và magiê sẽ giúp giảm tình trạng chuột rút. Ăn các loại thực phẩm như sữa, sữa chua, đậu nành, chuối và uống nhiều nước. 

Tắc nghẽn mũi 

Trong thời kỳ mang thai, các hormone - estrogen và progesterone - tăng lên đáng kể trong cơ thể. Điều này làm tăng lượng máu. Sự gia tăng lượng máu, bao gồm cả màng mũi, có thể gây nghẹt mũi, ho vào ban đêm.

Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể sử dụng thuốc xịt mũi vào ban đêm để giảm bớt sự khó chịu hoặc thuốc thông mũi và xịt mũi có chứa steroid. 

Ngưng thở khi ngủ 

Sự gia tăng trọng lượng khi mang thai là một trong những nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ và ngủ ngáy. Huyết áp cao và nguy cơ bệnh tiểu đường lúc mang thai cũng liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ và ngáy ngủ. 

Hội chứng chân không ngừng nghỉ

Hội chứng chân không ngừng nghỉ (RLS) gây cảm giác khó chịu như kiến bò lên chân, thôi thúc chân di chuyển liên tục gây khó ngủ, mất ngủ. RLS xảy ra là do thiếu máu do thiếu chất sắt. Thiếu magiê hoặc vitamin D cũng có thể gây ra RLS. Vì vậy, phụ nữ mang thai cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất này. Ngoài ra, tập thể dục, yoga, thiền, châm cứu cũng giúp giải tỏa sự khó chịu hiệu quả.