Nguyên nhân gây ho dai dẳng

ANTD.VN - Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, Mỹ, hầu hết các trường hợp ho trong thời gian ngắn, tuy nhiên trong một số trường hợp ho kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được giải quyết. 

Virus cảm lạnh

Ho kéo dài dưới 3 tuần có thể do cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, ho do cảm lạnh thường là ho khan, có chất nhầy có thể kéo dài hơn 1 tháng, sau đó các triệu chứng sẽ dần biến mất. Nguyên nhân đó virus cảm lạnh kích thích dây thần kinh ở đường dẫn khí dẫn đến ho kéo dài. 

Điều trị: Đối với ho do virus không có thuốc điều trị, việc sử dụng kháng sinh cũng không có tác dụng điều trị bệnh.

Chảy dịch mũi sau

Nếu ho kéo dài trên 8 tuần, bạn có thể bị chảy dịch từ mũi sau mãn tính do chất nhầy tích tụ trong các xoang và chảy xuống cổ họng, tạo ra một cảm giác kích thích gây nên ho. Người bệnh cũng có thể bị chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi (dị ứng hoặc các triệu chứng cảm lạnh kéo dài) và viêm họng. 

Điều trị: Để giảm tình trạng này, bạn nên rửa mũi bằng nước muối thường xuyên hoặc thuốc kháng histamine để giảm viêm. Hãy chú ý đến màu sắc của chất nhầy: ho ra đờm màu vàng hoặc màu xanh là do mắc bệnh nhiễm trùng như viêm xoang. Trong trường hợp đó, bạn cần dùng kháng sinh.

Hen suyễn

Hen suyễn thường kèm theo các triệu chứng như thở khò khè và khó thở. Nhưng một số người bị bệnh hen suyễn có thể xuất hiện triệu chứng ho dai dẳng và thường nặng hơn vào ban đêm, trong hoặc ngay sau khi vận động, khi hít không khí lạnh hoặc khi tiếp xúc chất gây dị ứng, giống như lông vật nuôi hoặc phấn hoa.

Điều trị: Bác sĩ kiểm tra hơi thở để chẩn đoán hen suyễn hoặc sử dụng thuốc xịt, thuốc hít 2 lần một ngày trong một vài tuần để giảm ho. 

Trào ngược axit

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) liên quan đến khoảng 25% các trường hợp ho mãn tính. Khi axit chảy ngược vào thực quản, nó gây kích thích dây thần kinh, gây ra một cơn ho dai dẳng. Nhưng rất khó khăn khi nhận biết căn bệnh này bởi không phải tất cả mọi người bị GERD đều bị ợ nóng. Cơn ho thường xuất hiện sau bữa ăn, khi ngủ, hoặc vào buổi sáng...

Điều trị: Đa số các trường hợp GERD có thể điều trị bằng các thuốc kháng axit, nhưng ho do GERD có thể khó chữa hơn. Để giảm tình trạng GERD, bạn nên giảm cân và ngủ kê cao đầu.

Viêm phổi

Ho có thể báo hiệu một căn bệnh nghiêm trọng hơn là bệnh viêm phổi. Viêm phổi phát triển khi bệnh nhiễm trùng hô hấp lan đến phổi gây khó thở và ho. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân trong một vài ngày. Nếu bạn ho ra nhiều đờm, máu, tức ngực, sốt và ớn lạnh là dấu hiệu cảnh báo cần nhanh chóng đến bác sỹ kiểm tra.

Điều trị: Chụp X-quang để chẩn đoán bệnh viêm phổi chính xác. Hầu hết các trường hợp viêm phổi ở người lớn thường rất nghiêm trọng và cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Bệnh ho gà

Bệnh ho gà rất dễ lây và ai cũng có nguy cơ mắc bệnh, thậm chí ngay cả khi bạn đã được tiêm phòng.

Điều trị: Nếu ho trong 3 tuần, uống kháng sinh có thể làm giảm triệu chứng, tránh lây lan vi khuẩn cho người khác bởi ho gà là bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong ở trẻ em.

Các nguyên nhân khác

Ho có thể do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay ung thư phổi. Nếu ho chỉ xuất hiện vào những thời điểm hoặc một số nơi, có thể do tiếp xúc với các chất dị ứng hoặc nhạy cảm với chất kích thích như nấm mốc, ô nhiễm, hoặc khói. Phụ nữ có xu hướng phản xạ ho nhạy cảm hơn so với nam giới. 

Biện pháp trị ho tại nhà

Mật ong có thể làm dịu và làm giảm ho. Bạc hà tạo ra một cảm giác mát lạnh và đã được chứng minh là giúp giảm ho, giảm ngứa cổ họng và giảm bớt đau nhức. Ngoài ra, tắm nước nóng hoặc hít hơi nước nóng có thể giúp nới lỏng chất nhầy và giảm ho. Nghiên cứu trước đây cũng cho thấy, chất caffeine trong cà phê có tác dụng giãn phế quản, giúp mở đường thở.