Nguy cơ từ những cơ sở X-quang “ngoài vùng kiểm soát”

(ANTĐ) - Quy định về đảm bảo an toàn bức xạ (ATBX) khi sử dụng thiết bị X-quang trong y tế lâu nay chưa quan tâm đúng mức. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số phòng khám chữa bệnh sử dụng thiết bị này không xin phép. Những phòng X-quang “ngoài vòng kiểm soát”, thực sự là mối lo về việc đảm bảo ATBX cho người bệnh.

Nguy cơ từ những cơ sở X-quang “ngoài vùng kiểm soát”

(ANTĐ) - Quy định về đảm bảo an toàn bức xạ (ATBX) khi sử dụng thiết bị X-quang trong y tế lâu nay chưa quan tâm đúng mức. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số phòng khám chữa bệnh sử dụng thiết bị này không xin phép. Những phòng X-quang “ngoài vòng kiểm soát”, thực sự là mối lo về việc đảm bảo ATBX cho người bệnh.

Những phòng X-quang hoạt động “ngoài vòng kiểm soát” sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh
Những phòng X-quang hoạt động “ngoài vòng kiểm soát” sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh

Nguy hiểm… khi chụp X-quang 

Thiết bị X-quang là loại thiết bị không thể thiếu trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, kèm theo tiện ích của loại thiết bị này, là những nguy cơ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.

Ông Đặng Thanh Lương - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân (KSATBX) - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Những nhân viên thường xuyên tiếp xúc với bức xạ ion hóa, nhận liều vượt quá giới hạn quy định, dễ có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Tia bức xạ có thể gây ra hiệu ứng sinh học (nôn mửa, rụng tóc, đục thủy tinh thể...,) hiệu ứng ngẫu nhiên (sinh con quái thai, ung thư...).

Cũng theo ông Lương, mặc dù X-quang  không gây nguy hiểm đến sức khỏe như các loại bức xạ khác dùng trong xạ trị hoặc chụp ảnh công nghiệp, nhưng nó có khả năng gây ra những rủi ro tương đối cao, đối với cộng đồng dân cư, nếu không tuân thủ các yêu cầu về đảm bảo an toàn và bảo vệ chống bức xạ.

Hiện nay, tại Hà Nội vẫn còn các cơ sở y tế sử dụng máy X-quang cũ, có tuổi thọ không đảm bảo an toàn, sử dụng máy X-quang một pha nửa sóng, kỹ thuật lạc hậu, có thể gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bệnh nhân. Sau những lần đi khảo sát thực tế, và kiểm tra hoạt động đảm bảo ATBX cùng đoàn công tác liên ngành Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) - CATP Hà Nội, và Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội, đã phát hiện một số trường hợp vi phạm quy định về ATBX.

Trong đó, vi phạm điển hình là việc sử dụng máy X-quang thông thường để chụp X-quang răng, mà theo quy định là không được phép. Ngày 10-7, Đội 3 - Phòng CSMT phối hợp với Cục KSATBX kiểm tra tại phòng chụp X-quang thuộc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Gia Lâm, phát hiện những sai phạm: Phòng chụp X-quang có diện tích 10,8m2, không đáp ứng quy chuẩn về diện tích nơi đặt máy (tối thiểu là 14m2), phòng chụp chưa đảm bảo về che chắn tia xạ, để tia xạ lọt ra ngoài gấp 4 lần mức quy định cho phép. Tại thời điểm kiểm tra, phòng chụp này không xuất trình được giấy phép hoạt động…

Chiều cùng ngày, đoàn kiểm tra tiếp tục kiểm tra tại phòng khám đa khoa Việt Mỹ, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, tại đây phát hiện các vi phạm: Cơ sở chưa khai báo và xin cấp phép sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ, sử dụng thiết bị X-quang không khai báo. Phòng khám cũng không cung cấp được hồ sơ, tài liệu kỹ thuật liên quan đến thiết bị X-quang, máy X-quang được ghi nhận lắp nhiều phụ kiện không đồng bộ theo tiêu chuẩn.

Theo chuyên gia tại Cục KSATBX, việc sử dụng máy X-quang sai mục đích, sử dụng sai quy định để chụp răng cho người bệnh, các máy X-quang tự lắp ráp, sử dụng các máy không phù hợp với tiêu chuẩn, quá cũ… có thể gây chiếu xạ không cần thiết đối với bệnh nhân, ảnh hưởng tới sức khỏe của họ. Đặc biệt, việc phòng chụp X-quang để lọt tia xạ sẽ gây nguy hiểm nếu có người đứng quanh khu vực phát tia xạ.

An toàn = Ý thức bác sĩ + Hiểu biết của người bệnh

Theo các chuyên gia, có nhiều biện pháp được áp dụng đảm bảo ATBX (ATBX trong chụp X-quang) nhằm giảm thiểu các nguy cơ bức xạ ảnh hướng tới sức khỏe con người và môi trường.

Tuy nhiên, để áp dụng có hiệu quả biện pháp ATBX phụ thuộc vào  nhiều yếu tố, mà một trong các yếu tố quan trọng là sự hiểu biết, y đức của chủ cơ sở X-quang, các y bác sĩ vận hành máy X-quang.

Theo ông Đặng Thanh Lương: Các y bác sĩ, kỹ thuật viên cần nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật về ATBX, không nên quá lạm dụng các kỹ thuật X-quang trong chẩn đoán bệnh. Nếu làm tốt, có thể hạn chế những rủi ro, đặc biệt trong chụp “CT” và “X-quang can thiệp”.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần phối hợp với báo chí cung cấp, phổ biến kiến thức về ATBX, những nguy hiểm do tia xạ có thể gây ra với con người. Chỉ khi có được sự hiểu biết nhất định, người dân mới có thể tự bảo vệ, tránh tùy tiện sử dụng thiết bị X-quang khi không thật cần thiết.

Quang Anh