Nguy cơ thiệt hại nặng khi mua chung đất, nhưng không có tên trên "sổ đỏ"

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Cách đây hơn một năm, tôi đã đưa tiền cho em họ mua chung một  ngôi nhà nhưng không có ai làm chứng. Tại thời điểm đó, tôi chưa chuyển hộ khẩu từ tỉnh ngoài về nên “sổ đỏ” ngôi nhà đó chỉ em họ tôi đứng tên, tôi là người giữ sổ. Xin hỏi luật sư, trong trường hợp xảy ra tranh chấp tôi có được lấy lại tiền không? Tôi phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình? Nguyễn Đức Tuấn (quận Long Biên, Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân trả lời:

Nguy cơ thiệt hại nặng khi mua chung đất, nhưng không có tên trên "sổ đỏ" ảnh 1Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Khoản 2 Điều 98 Luật Đất Đai 2013 về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nêu rõ, thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người một Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”.

Khi bạn chung tiền với một người khác để mua nhà, đất thì về nguyên tắc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp sẽ ghi đầy đủ tên của hai người để ghi nhận quyền sở hữu chung.

Nguy cơ thiệt hại nặng khi mua chung đất, nhưng không có tên trên "sổ đỏ" ảnh 2Về mặt pháp lý, người có quyền sở hữu, sử dụng đất sẽ là người đứng tên trong giấy tờ (Ảnh minh họa)

Điều đáng nói là, trên “sổ đỏ” nhà, đất hai người mua chung không có tên của bạn. Bên cạnh đó, bạn cũng không có giấy tờ gì chứng minh việc bạn và em họ mình đã cùng góp vốn để mua chung  mảnh đất và chứng minh việc chuyển giao tiền. Do vậy, về mặt pháp lý, người có quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt ngôi nhà chỉ là người đứng tên trên “sổ đỏ”, tức là em họ của bạn. Nếu không may xảy ra tranh chấp bạn sẽ là người bị thiệt hại.

Để tránh rủi ro, bạn cần trao đổi với em họ mình về việc ký Hợp đồng chuyển nhượng phần diện tích đất tương ứng với số tiền bạn góp và thực hiện thủ tục sang tên “sổ đỏ” để bạn được cùng đứng tên trên đó hoặc hai bên có thể làm Văn bản thỏa thuận ghi nhận việc góp vốn cùng mua đất, cùng ký tên vào văn bản thỏa thuận và nên nhờ người làm chứng cùng ký.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.