Nguy cơ thất truyền nghề bốc thuốc nam của đồng bào dân tộc Dao ở Ba Vì

ANTD.VN - Việc sử dụng thuốc nam để chữa bệnh từ lâu đã gắn với cuộc sống trên núi cao của người Dao. Khi chuyển xuống núi sinh sống, do diện tích đất canh tác ít ỏi, nghề phụ không có, nên dân tộc Dao gặp nhiều khó khăn trong giữ gìn di sản phi vật thể, góp phần phát huy tri thức dân gian về thuốc nam của đồng bào. 

Nguy cơ thất truyền nghề bốc thuốc nam của đồng bào dân tộc Dao ở Ba Vì ảnh 1Bà Triệu Thị Thanh, một trong những người còn lưu giữ được các tri thức dân gian của nghề thuốc nam ở Ba Vì

Những bài thuốc gia truyền bao đời

Nói đến thuốc nam của người Dao ở Ba Vì người ta sẽ nhắc đến những bài thuốc dành cho phụ nữ sau sinh, thuốc tắm cho em bé, thuốc gan, thuốc bổ máu, bổ gân cốt hay xương khớp… Người dân ở nhiều nơi, kể cả ở các thành phố lớn cũng tìm về đây để chữa trị rất nhiều. Ngày nay, mặc dù y học phát triển nhưng những bài thuốc nam này vẫn  nổi tiếng và hữu hiệu. 

Năm 2003, Giáo sư Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật học của trường Đại học Dược Hà Nội đã liệt kê ra 503 vị thuốc người Dao Ba Vì dùng để chữa các bệnh về xương khớp, sinh đẻ, bệnh ngoài da… Trong số đó có khoảng 165 loại thuốc hay được người Dao sử dụng nhất.

Nguyên liệu cho các thang thuốc nam chính là từ những cây thuốc trên núi được bà con dân tộc Dao cất công tìm kiếm, thu hái và sơ chế. Thường thì các cây thuốc này được bà con tìm trên các ngọn núi, khu rừng ở ngay Ba Vì và các vùng lân cận. Hiện nay do giới hạn về nguồn thuốc cũng như địa bàn khai thác nên họ còn tìm sang các tỉnh khác như Phú Thọ hay Hòa Bình. Thuốc nam của người Dao chủ yếu sử dụng thân cây, cây dây leo, lá và củ. Người Dao ít khi dùng một cây thuốc, một vị thuốc để chữa bệnh mà thường trộn nhiều vị khác nhau, chữa nhiều bệnh khác nhau.

Trong ba thôn Hợp Nhất, Hợp Sơn, Yên Sơn thì thôn Yên Sơn được coi là “xứ sở” của những bài thuốc nam người Dao với 100% người dân của thôn đều làm nghề bốc thuốc. Ở mỗi hộ gia đình thì bí quyết làm nghề thường được truyền cho con cháu trong nhà, nhất là phụ nữ. Trong những lần đi nương, rẫy, họ được bố mẹ chỉ cho từng loại thuốc và tác dụng của nó. Người ngoài đến học phải sắm lễ nhưng chỉ được dạy chữa các bệnh thông thường.

Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ

Trước đây, do địa bàn sống của người Dao là ở rừng núi nên họ làm thuốc trước hết là để phục vụ nhu cầu bản thân. Từ năm 1960, sau khi được chính quyền tạo điều kiện để bà con xuống núi định cư thì người Dao đã biết tận dụng kiến thức về bài thuốc của mình để làm kinh tế, tăng thêm thu nhập nên kinh tế các hộ có sự chuyển biến rõ rệt. Họ bán thuốc đi khắp các vùng miền cả nước. 

Tuy nhiên, hiện nay diện tích khai thác và số lượng các cây thuốc đang sụt giảm dần. Vườn Quốc gia Ba Vì thắt chặt hơn công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng nên hoạt động khai thác của người dân hạn chế hơn. Nguồn thuốc giảm sút nghiêm trọng do cách thức khai thác và sản xuất chưa khoa học của người dân. Các hoạt động sản xuất thuốc chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát và chưa có liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số hộ ý thức được sự cạn kiệt của nguồn thuốc đã chủ động gây trồng trong vườn nhà. Tuy nhiên, không phải cây thuốc nào cũng sinh trưởng tốt và thuần hóa dễ dàng trong điều kiện thời tiết và địa hình thấp. Chưa kể không phải ai cũng có kỹ thuật để trồng cây thuốc.

Kinh nghiệm về các bài thuốc của tổ tiên truyền lại cho con cháu mang tính truyền khẩu nên cũng dễ mai một, phải là người thực sự có tâm huyết với nghề thì mới có thể nhớ, học và duy trì được lâu bền. 

Bà Triệu Thị Thanh sinh năm 1952 chia sẻ: “Tôi cảm thấy hối tiếc khi không học bài thuốc chữa bướu cổ từ mẹ, vì sau này nhiều người Dao cũng mắc bệnh bướu cổ”.

Nguy cơ thất truyền nghề bốc thuốc nam của đồng bào dân tộc Dao ở Ba Vì ảnh 2Nghề thuốc Nam ở Ba Vì được Sở VHTT Hà Nội đưa vào danh mục Di sản phi vật thể của Hà Nội

Gìn giữ nghề quý của dân tộc

Đề án “Tổng Kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” 2013-2015 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì đã quyết định đưa tri thức làm thuốc nam của người Dao ở Ba Vì vào mục di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội cần được ưu tiên bảo vệ. 

Để nghề bốc thuốc nam của người Dao Ba Vì phát triển bền vững cần thực hiện đồng bộ các biện pháp.

Từ năm 2008, UBND xã Ba Vì thành lập Hợp tác xã Dịch vụ thuốc nam dân tộc Dao Ba Vì nhằm khai thác và bảo tồn hiệu quả nhiều loài thuốc quý. Chính quyền chú trọng việc tuyên truyền cho người dân hiểu được giá trị của Vườn Quốc gia Ba Vì cũng như tri thức chữa bệnh để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ di sản.

Tổ chức nghiên cứu và tư liệu hóa các tri thức dân gian về thuốc Nam của người Dao, xuất bản các ấn phẩm để lưu trữ. Quy hoạch và xây dựng các vườn thuốc, đặc biệt là thuốc gia đình, các loại cây có nguy cơ tuyệt chủng.

Nâng cao chất lượng sản phẩm từ sơ chế cho tới bảo quản, đóng gói sản phẩm. Từ đó phát triển thương hiệu thuốc nam người Dao Ba Vì.

Năm 2003, Giáo sư Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật học của trường Đại học Dược Hà Nội đã liệt kê ra 503 vị thuốc người Dao Ba Vì dùng để chữa các bệnh về xương khớp, sinh đẻ, bệnh ngoài da… Trong số đó có khoảng 165 loại thuốc hay được người Dao sử dụng nhất.