Nguy cơ hỏng mắt khi sử dụng kính áp tròng xuyên thấu

ANTĐ - Hiện nay trên một số trang mạng rao bán một loại kính áp tròng mà theo quảng cáo có khả năng “nhìn xuyên thấu”. Với chức năng này khiến không ít người tò mò, đặc biệt là giới cờ bạc lùng mua… mà không biết có những nguy hại trực tiếp tới thị giác người dùng.

Mới đây, khoa Chấn thương, Bệnh viện Mắt Trung ương vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân nam, SN 1987, quê ở Thái Bình nhập viện trong tình trạng mắt trái sưng tấy, chảy mủ. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, mắt trái bệnh nhân bị nhiễm trùng giác mạc và kết mạc bởi các loại vi khuẩn và nấm. Theo như bệnh án thì bệnh nhân này trước đó hoàn toàn bình thường về thị lực cả hai mắt. Tuy nhiên hơn 1 tháng trở lại đây bệnh nhân có mua kính áp tròng trên một trang mạng để... làm ăn. Theo mô tả của bệnh nhân thì loại kính áp tròng này có khả năng nhìn… xuyên thấu. Bệnh nhân thường sử dụng loại kính này khi chơi bài hoặc tham gia chơi xóc đĩa. Tuy nhiên người này không cho biết rõ về khả năng nhìn xuyên thấu của loại kính áp tròng này. Chỉ biết rằng sau một thời gian đeo loại kính này bệnh nhân cảm nhận thị lực giảm nhiều, hay ngứa mắt, chảy nước mắt… và cuối cùng rơi vào tình trạng như trên. 

Không khó để thấy những loại kính áp tròng giống như của người thanh niên nói trên được rao bán rất nhiều trên các website. Những loại kính này được quảng cáo có khả năng nhìn xuyên thấu đặc biệt là trong các trò chơi cờ bạc, có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… với giá cả dao động từ 2 triệu đến 15 triệu đồng. Kính rất mỏng áp trực tiếp vào mắt mà không hề gây đau hay nhức mắt. Kính cùng màu mắt nên không ai biết mình đang đeo kính. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoàng Cương, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định: Với quảng cáo kính áp tròng có thể nhìn xuyên thấu, hiện tại trong lĩnh vực y khoa chưa có bất kỳ loại kính thuốc nào có khả năng này. Hiện nay, các loại kính được đặt lên lòng đen (giác mạc) có tên chung là kính áp tròng hay kính tiếp xúc, với những chỉ định chính: điều trị các tật khúc xạ như: cận - viễn - loạn thị (thay thế kính gọng thông thường); điều trị một số bệnh: giác mạc hình chóp, trượt biểu mô giác mạc tái phát, sau mổ LASIK... Để đeo kính áp tròng người bệnh phải đi khám tại các chuyên khoa mắt, được các bác sĩ tư vấn trực tiếp. 

Bác sĩ Hoàng Cương cho biết, với những loại kính áp tròng bày bán tự do không được kiểm soát về chất lượng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người dùng. Thêm nữa, đeo kính tiếp xúc không đúng chỉ định, lạm dụng hay vệ sinh kém, sai sót về kỹ thuật tháo lắp có thể gây ra các tai biến như: xước, trượt lòng đen gây đau đớn; loạn dưỡng lòng đen, viêm nhiễm hoặc loét lòng đen do vi khuẩn, virus hay nấm; nếu có dị vật bay vào mắt bị kẹt giữa kính và lòng đen thì sẽ rất khó lấy ra, làm bệnh nhân đau đớn nhiều trong khi bác sĩ cũng khó thao tác khi lấy dị vật. Rắc rối bệnh lý nguy hiểm nhất là trường hợp nhiễm trùng giác mạc và kết mạc bởi các loại vi khuẩn và nấm gây bệnh đã kháng với các loại kháng sinh như trùng đũa có tên Pseudomonas Aeruginosa hay vi khuẩn Acanthamoeba sống chủ yếu trong nước và cát bụi. Loại vi khuẩn này thường bám vào kính áp tròng, luồn vào giác mạc. Nó có thời gian ủ bệnh khá lâu, thậm chí lên đến vài tuần, sau đó mới phát bệnh nghiêm trọng, gây đau đớn trong mắt, làm mờ mắt và gây loạn ánh sáng.