Nguy cơ cháy nổ từ đèn sưởi và bình nóng lạnh

ANTD.VN - Lắp đèn sưởi trong nhà tắm là giải pháp được nhiều gia đình lựa chọn cho mùa đông giá rét. Tuy nhiên, việc sử dụng đồ dùng này bao giờ cũng có hai mặt, nếu như không có được những sản phẩm chuẩn chất lượng, chính hãng và việc bảo trì, kiểm tra đúng hạn định… sẽ tồn tại nguy cơ gây cháy nổ bất cứ lúc nào.

Nguy cơ cháy nổ từ đèn sưởi và bình nóng lạnh ảnh 1Đèn sưởi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nếu việc lắp đặt và sử dụng không đúng cách

Tai nạn từ... phòng tắm

Ngày 10-11 vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Minh, ở ngõ 39B, đường Hoàng Hoa Thám, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội đã gặp phen hú vía sau khi vào phòng tắm. Vừa bật công tắc đèn sưởi được vài phút, bất ngờ đèn phát nổ làm các mảnh thủy tinh bắn tung tóe. Rất may, khi đó anh Minh quay lưng về phía đèn sưởi nên chỉ bị thương nhẹ phần lưng do mảnh thủy tinh găm vào người. 

Trước đó, một gia đình tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội cũng gặp tai nạn tương tự khi cháu bé 7 tuổi vào phòng tắm bật đèn sưởi. Hơi nước bốc vào bóng đèn sưởi halogen đã làm đèn phát nổ và chập cháy toàn bộ hệ thống điện trong nhà. May là vụ chập điện không dẫn đến hỏa hoạn và không gây hậu quả lớn. 

Hai vụ việc trên cho thấy việc sử dụng đèn sưởi trong phòng tắm vào mùa đông cần phải hết sức cẩn trọng. Nguyên nhân hàng đầu là do chất lượng sản phẩm. Hiện trên thị trường có  nhiều loại đèn sưởi phòng tắm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhiều người khi có nhu cầu đã ra cửa hàng mua một chiếc đèn bất kỳ về lắp đặt sử dụng mà không quan tâm đến độ an toàn, do đó đã tự đặt mình trước những hiểm họa khôn lường. 

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2, thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết: “Việc những chiếc đèn sưởi halogen phát nổ là dễ hiểu, bởi khi bật đèn, bóng bị nung nóng, trong khi hơi nước từ vòi bốc lên ngưng tụ tại bề mặt thủy tinh của bóng đèn dẫn đến xung đột về nhiệt gây phát nổ. Cùng với đó, hệ thống này cần nguồn điện lớn tức thời, trong khi người sử dụng lại kéo dài thời gian nên dễ dẫn đến phát nổ”.

Cũng theo một số chuyên gia trong lĩnh vực điện dân dụng, thời điểm sử dụng đèn sưởi thường vào giờ cao điểm như chiều tối, nên nguồn điện cung cấp cho đèn thất thường cũng có thể gây nổ đèn. 

Cách đảm bảo an toàn

Tuy chưa có con số thống kê chính xác về số vụ nổ đèn sưởi halogen trong phòng tắm, song với nhu cầu cao về mặt hàng này của người dân trong mùa đông, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội khuyến cáo cần có một số hiểu biết cơ bản khi sử dụng đèn sưởi phòng tắm.

Thứ nhất, khi mua đèn sưởi cần phải tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ. Chỉ mua hàng hóa đã được cơ quan chức năng kiểm định và mua của hãng có thương hiệu lâu năm, có địa chỉ rõ ràng. 

Khi lắp đặt đèn sưởi cần thợ có tay nghề, kinh nghiệm về điện, đo điện trở chuẩn cho thiết bị và lắp đặt rơle ngắt điện tự động để phòng khi phát nổ sẽ tự động ngắt điện. 

Theo ông Vũ Sinh, kỹ sư điện lực thuộc Trung tâm truyền tải điện lực Việt Nam: “Khi bóng phát nổ sẽ gây hở nguồn mạch tại các sợi đốt. Trong trường hợp này nếu hơi nước ngưng tụ thành giọt chảy vào đui đèn, có thể dẫn đến chập và gây nhiễm điện toàn bộ nơi ẩm. Khi đó người dùng có thể bị điện giật nếu chạm phải nơi nhiễm điện trong phòng tắm”. 

Nguy cơ cháy nổ từ đèn sưởi và bình nóng lạnh ảnh 2Hiện trường các vụ tai nạn từ đèn sưởi và bình nóng lạnh

Bảo trì bình nóng lạnh thường xuyên

Cũng theo cơ quan Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, ngoài đèn sưởi halogen thì việc sử dụng bình nóng lạnh trong mùa đông cũng cần cẩn thận. Nhiều năm qua, vụ việc chập điện từ bình nóng lạnh đã xảy ra ở một số gia đình, nhẹ thì cháy nhà, nặng thì điện giật chết người. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như bình nóng lạnh để lâu ngày, các cặn vôi trong nước bám làm chập sợi đốt nung nóng trong bình, dẫn đến quá tải nguồn điện đấu nối trong nhà gây chập cháy. 

Nguy hiểm hơn, nhiều chiếc bình quá tuổi thọ không được thay thế, kiểm tra, bảo trì dẫn đến việc chập điện âm và gây giật cho người dùng. Ngày 24-10 vừa qua, gia đình chị Nguyễn Văn H, ở TP. Vũng Tàu đã bị chập nổ bình nóng lạnh, rất may không bị thiệt hại về người. 

Trước đó ngày 4-9, tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, hai mẹ con chị Lò Thị P. (40 tuổi) đã bị điện giật chết trong phòng tắm. Nguyên nhân do chập và rò điện bình nóng lạnh mà chị P. không biết và không tắt automat trước khi xả nước tắm. 

Để tránh hậu quả đáng tiếc, Đại tá Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo: “Đối với bình nóng  lạnh phải thường xuyên kiểm tra bảo trì, thay thế và phải lắp đặt thiết bị chống giật. Để an toàn tuyệt đối, trước khi dùng phải tắt automat rồi sau đó mới xả nước dùng. Như vậy nếu không may bình bị chập và rò điện cũng không gây nguy hiểm đến tính mạng”. 

Đã từng có nhiều vụ việc xảy ra dẫn đến chết nhiều người trong gia đình do điện bình nóng lạnh rò, chập. Sở dĩ dẫn đến việc nhiều người có thể gặp nguy hiểm là vì một người trong gia đình vào tắm, khi bị điện giật người khác không biết lại tưởng bị cảm nên lao vào cứu nên tiếp tục bị giật. Đề phòng nguy hiểm xảy ra khi gặp sự cố trong phòng tắm, người vào cứu phải ngắt cầu dao điện toàn bộ tòa nhà, sau đó mới tiến hành các biện pháp sơ cứu.