Người thợ lắp máy giữa lưng chừng trời

ANTD.VN - Trên công trường trọng điểm của dự án nhiệt điện ở Hậu Giang, không khí lao động trong những ngày cuối năm càng lúc càng thêm rộn rã, khẩn trương. Những người thợ lắp máy đang hăng say làm việc, chinh phục công nghệ hiện đại nơi công trường hàng triệu  tấn thép với niềm mong mỏi sớm được nhìn thấy những công trình vươn cao trên bầu trời…

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 là dự án trọng điểm quốc gia, khởi công vào tháng 5-2015, với công suất 2x600MW do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - LILAMA là tổng thầu EPC. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 43.043 tỷ đồng, tương đương 2,046 tỷ USD. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh/năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng. 

Người thợ lắp máy giữa lưng chừng trời ảnh 1Người thợ lắp máy Lilama làm việc trên độ cao hơn 70 mét

Làm chủ máy móc

Nằm sát sông Hậu, dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 (ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã rõ hình hài một công trình hiện đại. Những cột thép dài tới 40m được những người thợ chế tạo làm khung chính của nhà máy đang vươn dài tới bầu trời xanh. 

Ở độ cao 72m, chúng tôi mới cảm nhận hết sự hoành tráng của công trình này. Đã có tổng cộng 4 tổ hợp dầm chính với trọng lượng từ 43 đến 62 tấn được lắp đặt thành công, an toàn và chính xác ở độ cao 79m. Đặc biệt, Lò hơi số 2, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 - một trong hai lò hơi công suất 600MW đang được người thợ 

LILAMA trực tiếp thực hiện. Từ trên cao nhìn xuống, những người thợ máy chỉ nhỏ như đầu tăm đang làm việc miệt mài trên những thiết bị khổng lồ. Đặc biệt, tổng thầu LILAMA đã triển khai, giám sát nghiêm ngặt các công tác an toàn thi công trên công trường dự án. Đến nay, số giờ làm việc an toàn trên công trường đã đạt hơn 7 triệu giờ (đảm bảo không có tai nạn từ khi thực hiện dự án đến nay).

Nói về việc làm chủ những công nghệ hiện đại, Giám đốc Dự án Phan Hồng Sơn cho biết: “Năm 2002, khi ký gói thầu điện than đầu tiên, chúng tôi phải thuê tư vấn nước ngoài, LILAMA khi đó chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Đến nay, chúng tôi đã làm chủ hoàn toàn, thậm chí thuê lại tư vấn nước ngoài để hỗ trợ. Chúng tôi đã có trong tay những kỹ sư, người thợ giỏi nhất. Đến cả những mối hàn qua gương người thợ LILAMA cũng đã có thể dễ dàng hoàn thành”.

Anh Nguyễn Văn Hà, 33 tuổi, có 10 năm gắn bó với nghề lắp máy, trong đó  3 năm lăn lộn với dự án cho biết: “Những người thợ lắp máy chúng tôi, cuộc đời luôn gắn bó với công trường. Hạnh phúc nhất khi được tham gia các công trình trường tồn với đất nước”.

Anh Hà cũng như hơn 2.300 kỹ sư và công nhân trên công trường Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu đã góp nhiều mồ hôi, công sức vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dù luôn phải xa quê, gắn bó với công trường, nhưng những con người bình dị luôn xác định: “Chúng tôi tự chọn cho mình công việc này, nguyện gắn bó cả cuộc đời với việc xây lắp”…

Thầm lặng hy sinh

Giám đốc Dự án Phan Hồng Sơn giới thiệu với chúng tôi từng chi tiết của công trình lớn này. Nhìn ra toàn cảnh công trường, ông Sơn nói: “Hiện tại, công tác thực hiện dự án đã đạt khoảng 48,74% trong đó thiết kế đạt 87,68%, mua sắm đạt 65,21%, thi công đạt 36,53%. Các máy biến áp chính đã được đưa vào vị trí và tiếp tục công tác lắp đặt phù hợp với kế hoạch. Ngoài ra, công tác lắp đặt phần áp lực lò hơi 1 và 2 đạt khoảng 91% và 40%, đủ điều kiện thử áp vào giữa năm 2018”.

Quá quen với nhọc nhằn của nghề, theo ông Phan Hồng Sơn, cái khó, cái làm đau đầu nhất là phải làm sao đảm bảo tiến độ của dự án quan trong này. Hiện nay, giá trị thực hiện các hạng mục của dự án đang được chủ đầu tư ưu tiên xem xét trên cơ sở tiết kiệm chi phí.

Việc này dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện do việc thiết kế chi tiết và so sánh các phương án như tăng thời gian và chi phí cho các công tác thiết kế/mua sắm và đặc biệt là thời gian phê duyệt. Tuy đã nhận được sự phối hợp tích cực từ các bên nhưng việc này đã làm ảnh hưởng lớn tới công tác thiết kế các hạng mục như nền kho than, bãi xỉ, cửa nhận nước, cảng than, cửa xả… 

“Thực tế cho thấy dòng tiền thanh toán cho các nhà thầu trong nước thường chậm và không đủ trang trải đảm bảo công tác thi công trên công trường. Việc này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện công việc” - ông Sơn cho biết thêm. Ông Sơn cũng chia sẻ: “Dù còn không ít khó khăn nhưng chúng tôi vẫn bám trụ trên những công trình, cùng cả tập thể nỗ lực vượt qua...”.

Ăn bữa cơm chiều cùng các kỹ sư công trình mới thấy người thợ lắp máy hào sảng và tình cảm dường nào. Cách xa thành phố đã lên đèn, tiếng sáo của người kỹ sư gợi nỗi nhớ nhà da diết. Thời khắc đó, thời gian như ngừng lại, mọi khó khăn, gian khổ cũng rời xa, chỉ còn lại hình ảnh của người thợ lắp máy đồng cam cộng khổ, chia ngọt, sẻ bùi ở nơi công trường là nhà, đồng nghiệp là người thân…