Người "thầy" chỉ mong "học trò" ngày một ít đi

ANTD.VN - Tiếng lao xao: “Em chào thầy” theo mỗi bước chân của Thiếu tá Bùi Kim Huệ - cán bộ Đội Quản giáo 3, Trại tạm giam số 2 CATP Hà Nội, dọc hành lang khu giam. Ngồi chuyện với tôi, nữ Thiếu tá có 11 năm thâm niên gắn với nghề quản giáo đọc vanh vách nhân thân, hành vi phạm tội của những phạm nhân đang làm vệ sinh buồng tầng gần đó…

Thiếu tá Bùi Kim Huệ chuyện trò, hỏi thăm một phạm nhân đang sắp chuyển đi thi hành án

Nghề quản giáo nhàn hạ hay vất vả? - Thiếu tá Bùi Kim Huệ đúc kết: “Nếu mình làm tốt công tác quản lý, giáo dục bị can, phạm nhân, thì nhàn. Và ngược lại…”.  

Từ cán bộ điều tra sang “nghề” quản giáo

Trại tạm giam số 2, CATP Hà Nội từ nhiều tháng nay đã tập trung cơ sở vật chất về một mối, tại địa bàn huyện Thường Tín, thay vì phải duy trì cơ sở 2 ở đường 70, huyện Thanh Trì như trước kia. Nơi giam giữ khang trang, sạch sẽ, kiên cố, và Đội Quản giáo 3 nằm ở tầng 3 của khu nhà. Là tập thể tương đối đặc biệt của đơn vị, biên chế Đội Quản giáo 3 một nửa chuyên phụ trách bệnh xá, và số CBCS còn lại quản lý các bị can, phạm nhân nữ.

Do đặc thù nghề nghiệp, tôi từng có nhiều dịp đến các trại tạm giam, trại giam ở nhiều địa phương. Cảm giác đầu tiên là thực sự mình không thể làm được nghề này. Bởi suốt ngày phải tiếp xúc, đối diện với phản ứng tâm sinh lý khó lường của những người đang bị luật pháp kết án, rồi môi trường làm việc vừa nghiêm cẩn, bó hẹp đến mức khô khan.

Thế nên khi nghe Trung tá Nguyễn Thị Xuân, Phó Đội trưởng Đội Quản giáo 3, Trại tạm giam số 2 giới thiệu về cán bộ của mình - Thiếu tá Bùi Kim Huệ, với thâm niên 15 năm gắn bó công tác trại giam và 11 năm làm quản giáo, tôi thực sự cảm phục. Hỏi có điều gì khác biệt, khó khăn khi chuyển từ Đội Cảnh sát hình sự, CAH Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) về Trại tạm giam số 3 (Công an tỉnh Hà Tây cũ) từ năm 2002, Thiếu tá Bùi Kim Huệ nhìn nhận: “Vừa giống lại vừa khác nhau. Giống vì tiếp xúc nhiều với đối tượng; còn sự khác ở “nghề” quản giáo, là làm thế nào để giúp đối tượng  nhận thức được lỗi lầm của mình, sửa chữa và hướng thiện”.

Những cơ sở như Trại tạm giam số 2 có chức năng là “nhịp cầu” trước khi chuyển phạm nhân đến các trại giam để thi hành án. “Nhịp cầu” ấy có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bị án có quyết tâm cải tạo tốt không, có muốn sớm trở về làm người lương thiện không, chính là do sự quan tâm, chia sẻ, động viên, giúp đỡ của cán bộ quản giáo. 

Ngồi trò chuyện với tôi, chỉ cần thoáng qua mái tóc, dáng đi hay nghe giọng nói xa xa của nữ bị can, phạm nhân nào đó là Thiếu tá Bùi Kim Huệ đọc được ngay tên tuổi, hành vi phạm tội và cả tính cách của họ. Có một đúc kết về “nghề” quản giáo của Thiếu tá Bùi Kim Huệ, mà đúng như suy nghĩ của Trung tá Nguyễn Thị Xuân: “Nếu không có tâm huyết, thiếu kinh nghiệm, sẽ không ra được; đó là sự vất vả của “nghề” quản giáo chính do yếu tố con người, yếu tố cán bộ. Cán bộ quản giáo mà quản lý, giáo dục tốt phạm nhân, giúp họ hướng thiện, sẽ rất nhàn. Và ngược lại…”.  

11 năm trong nghề, với Thiếu tá Bùi Kim Huệ, chị tự nhận mình “không quá vất vả”; và hơn thế, mỗi ngày lại thêm sự đam mê, gắn bó. Bởi chị cùng đồng đội mỗi ngày lại chứng kiến những bị can, phạm nhân chuyển hóa tinh thần một cách tích cực, trong sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của cán bộ quản giáo.

Người "thầy" chỉ mong "học trò" ngày một ít đi ảnh 2

Thiếu tá Bùi Kim Huệ (bên phải) cùng Trung tá Nguyễn Thị Xuân đi kiểm tra các buồng giam

Người bạn của những phận đời bi kịch    

Thiếu tá Bùi Kim Huệ kể, 10 bị can, phạm nhân đã và đang bị tạm giam tại Trại tạm giam số 2, thì đến 8 là có hoàn cảnh gia đình éo le. Có trường hợp mẹ bị tạm giam ở Trại 2, con đang thi hành án ở Trại 1; đứa con thứ hai ở ngoài xã hội mắc bệnh tâm thần - đó là bi kịch của nữ bị can phạm tội về ma túy tên Lan.

Một trường hợp khác mới được cơ quan tố tụng quyết định đình chỉ các biện pháp giam giữ, do mắc bệnh trầm cảm. Đó là người phụ nữ trẻ, một người mẹ, ở huyện Quốc Oai (Hà Nội). Sau khi không làm chủ được tâm lý, hành vi, người này đã xuống tay với chính con đẻ của mình, rồi nhảy xuống giếng tự vẫn nhưng được cứu thoát.

Thời gian ở Trại tạm giam số 2, người phụ nữ trẻ ấy lúc khóc lúc cười, lúc bện chiếc gối thành hình người, rồi vung tay nói đang đâm. Phân công can phạm cùng buồng trông coi nhiều lúc chẳng kiềm chế được biểu hiện tâm lý bất thường, ngoại trừ những lúc được cán bộ quản giáo như Thiếu tá Bùi Kim Huệ, Trung tá Nguyễn Thị Xuân an ủi, trò chuyện.   

Tôi cho rằng, không nhiều nơi như ở Đội Quản giáo 3, cán bộ đã làm được điều vô cùng khó - Lấy lại niềm tin, sự lạc quan cho người nhiễm virus HIV. Thiếu tá Bùi Kim Huệ cùng đồng đội đã làm được điều đó. Bị án N.T.P (28 tuổi, nhà ở huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), phạm tội về ma túy. P. lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục với chồng. Phần do nghèo, phần vì buồn chán, P. lao vào con đường mua bán trái phép chất ma túy.

Ngày nhập trại, P. tuyên bố chỉ muốn chết, bởi… đằng nào cũng chết. Án ma túy thường dài nên tâm lý của dạng tội phạm này, với những cán bộ dày dạn kinh nghiệm như Thiếu tá Bùi Kim Huệ, không hề lạ. Chị động viên, giải thích cho phạm nhân cùng buồng với P., đừng sợ, đừng xa lánh và trực tiếp cán bộ quản giáo làm gương. “Em không sợ, em muốn chết à? Không quá khó. Nhưng mức án 8 năm đâu phải sẽ không còn đường về. Em chết bỏ con cho ai nuôi. Bệnh của mình bây giờ có thuốc điều trị, duy trì sức khỏe rồi cơ mà. Thuốc tốt, lại biết giữ gìn, em có nhiều cơ hội chứng kiến con cái trưởng thành đấy”.

Những tâm sự, rủ rỉ ấy cứ kiên trì với P. hàng ngày, mỗi khi rảnh rỗi. Hôm tôi đến Đội Quản giáo 3, chính lúc nghe tiếng cười “buôn chuyện” vọng ra từ khu giam của người phụ nữ “có H”. Với P., Thiếu tá Bùi Kim Huệ là người sinh ra cô lần thứ hai, giúp cô tìm thấy điểm tựa để cố gắng sớm làm lại cuộc đời, sớm được trở về.

Phạm nhân bị bệnh ở các trại tạm giam, trại giam không phải là hiếm. Nhưng bị bệnh mà không có ý định chữa trị, mà chỉ muốn bệnh ngày càng nặng thêm như trường hợp của P.T.H, thì có lẽ không nhiều. H. bị bắt về tội danh liên quan đến ma túy, bị vẩy nến nặng, vậy mà từng đi bán dâm! Cả nửa thân người toàn vẩy là vẩy, có lúc đỏ ửng như tôm luộc. Bệnh tật, chán đời, H. nhập Trại 2 với tâm thế của người chỉ thích gây sự.

Thuốc trị vẩy nến cán bộ phát cho, H. nhận rồi tìm cách vứt. Bị phạm nhân cùng buồng giam phản ánh, rồi bị cán bộ hỏi, H. giải thích bằng cách… gãi cành cạch. Cả buồng giam đều “né” H., khiến cô gái này càng thêm bất cần. Nhưng Thiếu tá Bùi Kim Huệ thì ngược lại. Trại không thiếu thuốc trị vẩy nến, song Thiếu tá Bùi Kim Huệ đi tìm bằng được lọ thuốc mà H. vứt đi, đưa lại.

“Em không bôi, cứ vứt, tôi sẽ đi tìm và tìm bằng được. Vứt đâu có phải là sự giải thoát. Em chữa trị đi, tôi và các bác sĩ của trại sẽ giúp. Nên nghĩ được rằng, cuộc đời mình sẽ có nhiều điều tốt, điều cần làm ý nghĩa hơn việc em cố tình phản kháng đấy”. Sau đó, Thiếu tá Bùi Kim Huệ để H. một mình ở lại buồng giam. Chiều hôm đó, H. rụt rè gọi cán bộ quản giáo, xin thuốc, rồi xin được xuống bệnh xá để điều trị. 

Thiếu tá Bùi Kim Huệ và những cán bộ nữ của Trại tạm giam số 2 mà tôi gặp, cùng chia sẻ, có 2 yếu tố để các chị yêu nghề, gắn bó với nghề. Đầu tiên là sự hiểu và ủng hộ, giúp đỡ từ phía gia đình, từ bố mẹ, chồng con. Mái ấm bền vững, con cái ngoan ngoãn học giỏi là hậu phương vững chắc để người cán bộ quản giáo thêm nghị lực, tâm huyết với nghề. Yếu tố thứ hai, là sự chuyển hóa tích cực, sự hướng thiện của bị can, phạm nhân.

Những cơ sở như Trại tạm giam số 2 có chức năng là “nhịp cầu” trước khi chuyển phạm nhân đến các trại giam để thi hành án. “Nhịp cầu” ấy có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bị án có quyết tâm cải tạo tốt không, có muốn sớm trở về làm người lương thiện không, chính là do sự quan tâm, chia sẻ, động viên, giúp đỡ của cán bộ quản giáo. 

Lao xao tiếng chào “thầy” trong suốt cuộc trò chuyện của tôi với Thiếu tá Bùi Kim Huệ. Người “thầy” lặng lẽ không bục giảng, không phấn và cũng chẳng có hoa. Người “thầy” chỉ mong “học trò” ngày một ít đi, không phải vì ngại vất vả, mà bởi đơn giản, như thế xã hội sẽ tốt đẹp và bình yên hơn nhiều.