Người phụ nữ vận động các con hiến đất làm đường

ANTD.VN - Ngày nào người dân phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội cũng thấy bà Trần Thị Lợi cầm chổi quét dọn con đường ven hồ Đình để chiều chiều mọi người đi tản bộ, thong dong tập thể dục. Con đường đẹp đẽ ấy có được một phần là nhờ bà đã động viên các con cùng hiến đất trị giá cả tỷ đồng để mở rộng đường.

Bà Trần Thị Lợi thong dong trên con đường bên hồ Đình, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội

Gia đình bà Trần Thị Lợi (ở tổ dân phố Thượng Cát 4, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) vừa vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Hiến đất làm đường” xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Trở lại thăm bà Lợi, được nghe câu chuyện đằng sau nghĩa cử cao đẹp ấy, chúng tôi thực sự khâm phục tấm lòng, sự hy sinh của người phụ nữ sắp bước vào tuổi thất tuần.

Hiến tặng 43m2 đất mặt đường

Tìm được đến nhà của bà Trần Thị Lợi, chúng tôi khá bất ngờ. Đó là ngôi nhà cấp 4 đã cũ kỹ, chật chội bà cùng gia đình nhỏ của người con trai trưởng sinh sống hơn 40 năm qua. Căn nhà chỉ kê đủ 2 chiếc giường, bộ bàn ghế uống nước trở thành bàn học cho đứa cháu đang tuổi tới trường của bà.

Nhân vật chính mà chúng tôi tìm gặp là một phụ nữ có dáng người mảnh dẻ, khuôn mặt hiền hậu cùng đôi bàn tay thi thoảng run run vì bệnh tật. Bà Lợi chia sẻ: “Vào năm 2015, khi chính quyền phát động phong trào hiến đất làm đường và các công trình phúc lợi khác, mặc dù hoàn cảnh khó khăn, tôi đã cùng 3 người con trai hiến 43m2 đất ở trị giá khoảng gần 900 triệu đồng để mở rộng đường đi khu vực hồ Đình của phường”.

Trước kia, con đường chạy quanh hồ Đình đoạn qua nhà bà rộng chỉ hơn 1m. Người đi bộ và xe phải nhường nhau đi, riêng xe đạp, xe máy ngược chiều chỉ qua được từng chiếc một. Đường sá chật hẹp, mặt đường lại gồ ghề nên nhiều cháu nhỏ bị té ngã. Vì thế, mỗi lần chứng kiến cảnh như vậy, bà Lợi lại trăn trở. Nhiều đêm không ngủ, hình ảnh con đường chật chội cứ vẩn vơ trong đầu bà, đã thôi thúc bà quyết tâm động viên các con hiến đất của gia đình để mở rộng đường.

Để mở rộng con đường rộng 2,5m thẳng tắp, gia đình bà đã phải phá đi hoa màu và cây ăn quả. Những cây bưởi, cây nhãn đang đến độ cho quả sai lúc lỉu, vườn mía trồng để các con bà bán nước mùa hè cũng phải chặt đi. Tiếc nuối khi phải chặt phá những cây do bàn tay bà tự vun trồng nhưng vì sự phát triển của phường, vì sự đi lại  thuận tiện  của bà con, bà Lợi quyết làm.

Gạt bỏ lợi ích riêng

Bà Lợi có 3 người con trai, mảnh đất của cha ông để lại được bà chia đều cho các con làm ăn sinh sống. Các con của bà đều làm nông nghiệp và buôn bán nhỏ, kinh tế gia đình chỉ đủ ăn. Cả cuộc đời đã gần 50 năm về làm dâu gia đình họ Ngô, người phụ nữ ấy vẫn tần tảo quanh năm với ruộng vườn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Vì nhà đông con, lại không có nghề phụ, bà Lợi đã phải bươn chải, tất tả lo từng bữa cơm, tấm áo cho các con. Đến nay, khi các con trưởng thành, bà lại mang trong mình nhiều bệnh tật. Bà chỉ có duy nhất đồng lương 600.000 đồng ít ỏi tiền trợ cấp nghỉ hưu của người chồng đã mất. 

“Vào năm 2015, khi chính quyền phát động phong trào hiến đất làm đường và các công trình phúc lợi khác, mặc dù hoàn cảnh khó khăn, tôi đã cùng 3 người con trai hiến 43m2 đất ở trị giá khoảng gần 900 triệu đồng để mở rộng đường đi khu vực hồ Đình của phường. Hưởng lợi thì ai cũng cần, nhưng làm đường còn là để góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương. Vì lẽ đó, mình sống phải vì mọi người và thấy có ích mình phải sẵn sàng đóng góp”.

Trần Thị Lợi (Tổ dân phố Thượng Cát 4, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội)

Trong căn nhà nhỏ đã phải tu sửa nhiều lần vì mái nhà dột, tường vôi lở, rêu mốc, người phụ nữ hiền lành chất phác ấy đã quyết  gạt bỏ khó khăn riêng  của gia đình để hy sinh vì cái đẹp, vì lợi ích chung của cộng đồng. Nhưng để đi được đến quyết định đó không đơn giản như vậy.

Có lẽ khó khăn nhất đối với bà Lợi trong việc hiến đất này là làm thế nào để cả 3 người con đồng lòng, bởi bà hiểu rõ “tất đất là tấc vàng”, trong khi gia đình còn khó khăn như vậy. Sau mỗi bữa cơm chiều, bà Lợi ngồi lại với các con thủ thỉ, tâm sự. Nhưng suy nghĩ, trăn trở của người mẹ già được các con bà nhanh chóng thấu hiểu và nhất trí bớt phần đất của mình để làm đường.

Đến ngày hôm nay, bà Lợi cảm thấy tự hào hơn mỗi khi đến lễ hội đình làng Thượng Cát vào tháng 3 âm lịch. Khi ấy, người dân trong làng sẽ đổ về quanh khu vực hồ Đình vui chơi và xem lễ hội bơi thuyền rồng truyền thống để tưởng nhớ tri ân công đức của Tướng quân Quách Lãng cùng hai nữ tướng họ Đinh vì có công đánh đuổi quân Nam Hán thời kỳ Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Con đường nơi bà hiến đất mở rộng trở nên đẹp và ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Hàng ngày, mỗi chiều bà lại bế cháu ra đi bộ trên con đường quanh hồ ấy để thưởng lãm vẻ đẹp quê hương và thật sự hạnh phúc khi được ngắm nhìn lũ trẻ vui chơi trên đoạn đường mới. Với bà, đất đai là tài sản quý của người nông dân. Thế nhưng, hiến đất làm đường  phục vụ lợi ích cộng đồng hôm nay và đem lại lợi ích cho cả thế hệ mai sau... thì đó là việc nên làm. Bà Lợi dẫn chúng tôi ra con đường được mở rộng, vừa đi bà vừa nói: “Hưởng lợi thì ai cũng cần, nhưng làm đường còn là để góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương. Vì lẽ đó, mình sống phải vì mọi người và thấy có ích mình phải sẵn sàng đóng góp”.

Bà Trần Thị Lợi được tôn vinh vì đã có thành tích trong phong trào “Hiến đất làm đường”

Lan tỏa hành động đẹp

Hành động đẹp với suy nghĩ bình dị ấy của bà Lợi đã có sức lan tỏa không nhỏ đến người dân xung quanh, nhiều người tự nguyện hiến đất làm đường giao thông trong các khu dân cư đã góp phần giảm đáng kể chi phí trong xây dựng tuyến đường trên địa bàn đồng thời, thúc đẩy phong trào xây dựng đường giao thông trong các khu dân cư theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ngày càng lan rộng. Đến nay, hầu hết những con đường của tổ dân phố Thượng Cát 4, phường Thượng Cát khang trang, sạch đẹp, rộng rãi, góp phần giải quyết nhu cầu giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Quyết, Chủ tịch UBND phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm cho biết, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, hồ Đình được cấp kinh phí cải tạo, xây kè đá, tường lan can và con đường rộng 2,5m quanh hồ, bên dưới sẽ thiết kế hệ thống cống ngầm thoát nước dân sinh. Tuy nhiên, khi triển khai gần xong công trình, đoạn đường gần 40m qua nhà bà Lợi rất hẹp, không thể mở rộng, tạo nên nút thắt cổ chai, vừa gây khó khăn bất tiện cho người dân đi lại, vừa làm mất cảnh quan của khu hồ Đình.

Khi ấy, chính quyền phường cùng các đoàn thể đã thường xuyên tuyên truyền trên các hệ thống loa truyền thanh, đồng thời gặp gỡ gia đình bà Lợi, động viên bà hiến đất mở rộng đường. Sau khi được thuyết phục, bà đã đồng ý vận động các con đồng tâm đồng lòng hiến đất, giải quyết nút thắt.

“Chính sự tích cực trong công tác tuyên truyền và dân vận khéo để người dân thấy được lợi ích riêng trong lợi ích chung, sẵn sàng hy sinh cái nhỏ vì nghĩa lớn đã giúp phường vận động nhiều gia đình hiến đất làm đường. Không chỉ gia đình bà Lợi, trong địa bàn phường còn có nhiều gia đình khác như ông Nguyễn Trí Khôi hiến 3m2 đất mở đường liên thôn, một gia đình khác hiến 7m2…”, ông Nguyễn Xuân Quyết chia sẻ.