Người lao động không đi làm vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội?

ANTD.VN - Sáng 18-6, báo Lao động Thủ đô đã phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Phổ biến pháp luật lao động, giải đáp những vướng mắc về chính sách tiền lương và các chế độ theo lương”.

Theo bà Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô, chính sách tiền lương và các chế độ theo lương đã trải qua các lần cải cách.

Nhờ đó, tiền lương khu vực công từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao đời sống của người hưởng lương. Tiền lương khu vực doanh nghiệp từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. 

Do có nhiều điểm mới của pháp luật lao động nên quá trình thực hiện sẽ có những lúng túng. Buổi giao lưu trực tuyến được tổ chức nhằm giúp người lao động, người sử dụng lao động có thêm kiến thức về những điểm mới của pháp luật lao động, nhất là chính sách tiền lương và các chế độ theo lương.

Tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Thành Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi: Do ảnh hưởng dịch Covid- 19, Công ty chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, phải cho công nhân nghỉ luân phiên hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng. Vậy việc Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như vậy có đúng pháp luật không?

Về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hiền, Giảng viên Học viện Tư pháp cho biết, việc doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid- 19 là một trong những căn cứ để doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Nhưng để việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đúng pháp luật thì doanh nghiệp phải chứng minh được rằng doanh nghiệp đã tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn nhưng không thể được, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là bắt buộc.

Cùng đó, doanh nghiệp phải thực hiện báo trước cho người lao động, số ngày báo trước tùy thuộc vào thời gian ký kết hợp đồng lao động dao động từ 3 đến 45 ngày. Ngoài ra, doanh nghiệp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đang trong trong thời gian ốm đau, nghỉ thai sản, nghỉ phép năm và nếu người lao động là cán bộ công đoàn thì doanh nghiệp phải trao đổi với Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, chị Nguyễn Thị Thanh Hảo (Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội) hỏi vừa qua dịch Covid-19, Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội cũng phải cho nghỉ không lương, một số cán bộ nhân viên thì được trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng. Vậy, Công ty có vi phạm không? Công ty đứng ra đóng Bảo hiểm xã hội trong thời gian cán bộ nhân viên nghỉ không lương thì có bị vi phạm chế độ tài chính không?

Giải đáp vướng mắc trên, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng cho hay, theo quy định tiền lương của Bộ Luật Lao động, doanh nghiệp có quyền quyết định hình thức thỏa thuận với người lao động trả lương theo ngày, theo tháng, khoán sản phẩm… nhưng mức lương trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Nếu doanh nghiệp trả thấp hơn thì thực hiện chưa đúng theo quy định của Bộ luật lao động. Tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh, doanh nghiệp khó khăn, nếu người lao động và chủ sử dụng lao động thỏa thuận với nhau, khó khăn có thể nhận 1 triệu hoặc không nhận lương thì được trả thấp hơn mức tối thiểu vùng.

Về vấn đề bảo hiểm xã hội, nguyên tắc doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm xã hội khi xuất hiện tiền lương, tham gia làm việc từ 14 ngày trở lên thì tháng đó được đóng bảo hiểm xã hội, dưới 14 ngày thì không phải đóng. Do đó, nếu tháng đó không làm không có tiền lương thì không thể trích nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội được.