Người lao động khốn khổ vì bị doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội để... kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, có trường hợp sinh con thứ 2 rồi vẫn chưa được chế độ thai sản lần sinh thứ nhất, hay về hưu đã 3, 4 năm mà chưa được nhận sổ do doanh nghiệp còn nợ tiền BHXH…

Người lao động khốn khổ vì bị doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội để... kinh doanh ảnh 1

Cán bộ công đoàn tiếp nhận đơn khởi kiện của người lao động (Ảnh minh họa)

"Lách luật" để trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH

Thống kê từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn Hà Nội đến nay là 1.722.520 người, đạt 87,8% số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH thời gian qua có chiều hướng gia tăng.

Số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên toàn thành phố tính đến ngày 31-5-2020 là có 53.083 đơn vị nợ với tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi với số tiền 1.851 tỷ đồng (tăng 937 tỷ đồng so với thảng 12-2019). Điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng trăm nghìn người lao động và an sinh xã hội

Từ góc độ của cơ quan bảo vệ quyền lợi người lao động, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội chỉ ra vấn đề nghiêm trọng hơn, đó là tình trạng chiếm dụng tiền trích đóng BHXH hàng tháng của người lao động một cách bất hợp pháp.

“Theo Luật BHXH, người lao động phải đóng BHXH-BHYT-BHTN là 10,5% trên tổng số tiền lương, tiền công hàng tháng. Song trong thực tế có nhiều doanh nghiệp đã thu phần này của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH mà sử dụng vào việc kinh doanh hoặc chi tiêu mục đích khác” – ông Hùng nói.

Cùng với tình trạng nợ đọng BHXH, hành vi trốn đóng BHXH hoặc đóng không đúng mức tiền lương, tiền công thực tế trả cho người lao động… cũng đang diễn ra khá phức tạp.

Lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội dẫn chứng, một số doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động có thời hạn trên 01 tháng, thậm chí hợp đồng lao động 01 năm, song không tham gia BHXH bắt buộc nhằm chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động. Bởi nếu một doanh nghiệp chỉ cần trốn đóng BHXH của 100 công nhân lao động, với mức lương tối thiểu vùng (4.420.000 đồng/ tháng), mỗi năm doanh nghiệp cũng đã chiếm dụng tiền BHXH hàng tỷ đồng.

“Qua khảo sát, có trên 90% công nhân làm việc ở các công trình xây dựng hiện nay không được tham gia BHXH-BHYT-BHTN theo quy định, nên khi xảy ra rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, người lao động không được hưởng các chế độ quyền lợi theo quy định” – ông Hùng nêu ví dụ.

Theo lãnh đạo LĐLĐ thành phố, trong khi các giải pháp quản lý còn khó khăn thì người phải gánh chịu những hậu quả chính là người lao động. Thực tế có những trường hợp sinh con thứ 2 rồi mà chưa được giải quyết chế độ thai sản của lần sinh thứ nhất, về hưu đã 3, 4 năm nhưng vẫn chưa được nhận sổ BHXH do doanh nghiệp còn nợ tiền BHXH...

BHXH Hà Nội sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra các đơn vị nợ đọng, trốn đóng

Cần biện pháp mạnh hơn

Khảo sát của BHXH và LĐLĐ TP Hà Nội cho thấy, phần lớn doanh nghiệp nợ đọng BHXH trong 6 tháng đầu năm 2020 chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, cơ khí, dệt may. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cũng có không ít đơn vị sản xuất kinh doanh có lãi nhưng vẫn cố tình nợ đọng, trốn đóng BHXH cho người lao động với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Thực hiện quy định tại điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự và điều 14 Luật BHXH, từ ngày 01/01/2016, chức năng khởi kiện nợ đọng BHXH đã được chuyển từ cơ quan BHXH sang cho tổ chức Công đoàn thực hiện. Song đến nay, chưa có doanh nghiệp nào được cơ quan Toà án đưa ra xét xử do vướng về mặt pháp lý.

Tương tự, nội dung liên quan tới xử lý hành vi này trong Bộ luật Hình sự 2015, Nghị quyết 05/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao... còn nhiều vướng mắc trong triển khai nên chưa đơn vị nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định pháp luật về BHXH-BHYT. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước, xử phạt vi phạm về chính sách BHXH một số địa phương thực hiện chưa nghiêm, dẫn đến nhờn luật…

Trước thực trạng đó, LĐLĐ TP Hà Nội đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng và nợ đọng BHXH, BHYT. Từ đó, có biện pháp đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp phải thực hiện, từ vận động thuyết phục đến biện pháp hành chính, khởi kiện ra toà, thậm chí đề nghị xử lý hình sự đối với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN thành phố Hà Nội đề nghị BHXH Thành phố thường xuyên phân tích, phân loại nợ; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Thanh tra Thành phố, Công an Thành phố, LĐLĐ Thành phố, Cục Thuế Thành phố thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đóng, trốn đóng BHXH, xử lý theo quy định.

Đặc biệt, BHXH TP Hà Nội cần chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, đơn vị có khả năng đóng BHXH, BHYT nhưng cố tình nợ đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền nộp BHXH của người lao động và kịp thời chuyển cơ quan Công an, Viện kiểm soát nhân dân để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.