Người đàn ông 15 năm ngồi tù oan quay lại giúp các phạm nhân khác

ANTD.VN - Năm 20 tuổi, Richard Miles bị kết án 60 năm sau song sắt. Người đàn ông ấy đã ở tù 15 năm vì một tội ác mà mình không phạm phải. Hiện giờ, ông đang thực hiện một nhiệm vụ để giúp đỡ người khác. 

Richard Miles bị bắt và bị buộc tội giết người khi mới ở tuổi vị thành niên. “Tôi thường nói, ngày 15-5-1994 là ngày mà Richard Ray Miles, Jr. đã chết, khi tôi trở thành tù nhân mang số 728716”. 15 năm bị giam trong một nhà tù ở Texas, người đàn ông này được tự do vào năm 2009. “Khi đó, tôi đã bị choáng ngợp, vì mình đã 34 tuổi, nhưng phải rời xa đời sống xã hội từ năm 19 tuổi. Tôi thực sự sợ hãi vì không biết ứng phó như thế nào, sẽ kiếm việc ra sao. Thế giới xung quanh hoàn toàn khác”.

Người đàn ông 15 năm ngồi tù oan quay lại giúp các phạm nhân khác ảnh 1Richard Miles cùng tổ chức phi lợi nhuận của mình vẫn thường giúp đưa đón thân nhân các phạm nhân

15 năm kiên trì kêu oan

“Có rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh giống như tôi. Một trong những lời cầu nguyện của tôi là luôn khiêm tốn, tôi không muốn mình trở thành trung tâm chú ý. Ở tuổi 19, tất cả những gì tôi có là 60 năm gắn với buồng giam. Và giờ thì Chúa đã cho tôi rất nhiều ở tuổi 44”, Miles kể.

Được hỏi về điều gì khiến ông kiên trì kêu oan, Richard Miles chia sẻ: “Điều đầu tiên là phải có niềm tin. Khi thẩm phán ra phán quyết, tôi vẫn tin hệ thống luật pháp đứng về phía công lý. Bên cạnh đó, bố mẹ tôi là những người tuyệt vời khi luôn bên cạnh động viên, an ủi. Mẹ tôi thường nói: “Khi nhìn ra ngoài cửa sổ, con đừng nhìn vào các song sắt, mà hãy nhìn lên bầu trời”. Điều đó khiến tôi suy nghĩ, bạn có thể đang ở trong một tình huống không thể thay đổi, nhưng bạn có thể thay đổi nhận thức của chính mình. Tôi thường nói có một sự bình yên trong vô tội. Tôi tự nhủ với mình rằng, mình không phải là tù nhân, mà chỉ là người đàn ông vô tội trong tù. 

Mỹ là quốc gia có tỷ lệ tù nhân cao nhất thế giới. Theo thống kê gần đây, đến cuối năm 2016, có hơn 2 triệu người trưởng thành ở Mỹ đã bị cầm tù. Một nghiên cứu cho thấy, gần một nửa trong số 25.000 phạm nhân ở Mỹ bị bắt vì phạm vào tội danh mới hoặc vi phạm vào quy định tạm tha sau khi được thả. Với Miles, 2 năm sau khi được tự do, ông đã cố gắng làm lại từ đầu. Cuối cùng, ông tìm được một công việc, kiếm được nhà, hiện giờ đã kết hôn và có con.

Giúp người đồng cảnh ngộ 

Cuộc đời của Miles và những người có hoàn cảnh tương tự là động lực để ông khởi dựng “Miles of Freedom” (Dặm đường Tự do), một tổ chức phi lợi nhuận ở Dallas chuyên giúp tù nhân hòa nhập cộng đồng hay thoát khỏi tù nếu bị kết án oan. “Tôi đã tận mắt nhìn thấy những người vừa ra tù tuyệt vọng thế nào. Đúng, họ đã phạm tội, nhưng rất nhiều người trong số đó muốn sống tốt hơn nhưng hoàn cảnh sống không cho phép họ làm như vậy”, Miles, năm nay 44 tuổi nói.

Miles được tuyên trắng án vào tháng 2-2012 và ông đã sử dụng một phần tiền Nhà nước bồi thường để cung cấp dịch vụ tái nhập toàn diện cho những người và gia đình bị ảnh hưởng bởi việc tống giam. Hoạt động tại Nam Dallas, tổ chức phi lợi nhuận của ông hỗ trợ các cá nhân mới ra tù làm lại giấy tờ tùy thân, đăng ký vào trường đại học hay ở ngôi nhà an toàn. Nhóm này cũng có khóa đào tạo nghề như sử dụng máy tính, kiến thức tài chính và giới thiệu việc làm. Ngoài giới thiệu việc làm tạm thời cho các thành viên tham gia chương trình, Miles cũng cung cấp dịch vụ đưa đón các thân nhân đến thăm phạm nhân. 

“Ngoài chương trình đào tạo nghề hay trang bị kiến thức, kỹ năng mềm, chúng tôi cũng có một chương trình làm việc với thanh thiếu niên. Chúng tôi thường đến các trường trung học ở địa phương nói chuyện về việc đi tù, cũng như đưa ra những lựa chọn đúng đắn nếu gặp rắc rối trong cuộc sống. Tại các sự kiện cộng đồng, chúng tôi có thể trò chuyện với các gia đình, bao gồm cả trẻ em về chuyện giam giữ, lánh xa tù nhân…”, Mile cho biết.

Tuy nhiên, quay lại nhà tù để giúp các phạm nhân khác có lẽ là một trong những điều Richard Miles tâm đắc nhất. Khi nghe nói Miles từng ở tù, các phạm nhân nhận được sự khích lệ, tự vấn bản thân mình rằng nếu người đàn ông này chịu đựng từng ấy năm để chứng minh vô tội, ít nhất họ cũng có thể vượt qua.