Ngụm nước mát của một tấm lòng

ANTD.VN - Hơn 20 năm qua, tại góc giao lộ Lê Văn Sỹ - Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM, bà Phạm Thúy Hằng chăm chỉ với việc sửa xe máy để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Và cũng ngần ấy năm, bà tự bỏ tiền mua những bình nước đặt ven đường làm mát lòng những người lao động nghèo sau những giờ vất vả mưu sinh.

Không chỉ là những ly nước mát

Ngay tại góc giao lộ Lê Văn Sỹ - Đặng Văn Ngữ, bình nước được dán thêm dòng chữ “trà đá miễn phí” đã trở nên quen thuộc với nhiều người, dù cuộc mưu sinh bộn bề hối hả. Hàng ngày, nhiều người lao động, từ chị thu mua phế liệu, cô bán vé số, bác đạp xích lô, anh “xe ôm” cho đến những người đi đường khát nước đều có thể dừng lại uống ly trà miễn phí. 

Bà Hằng cho biết, hàng ngày có mặt tại góc giao lộ, nhiều lần chứng kiến cảnh những bác “xe ôm”, ba gác nhễ nhại mồ hôi, thở dốc vì mệt và khát. Bản thân cũng không ít lần mệt lả đi vì khát nước và cũng mấy chục năm bám mặt đường, mặt chợ kiếm sống mưu sinh nên bà Hằng hiểu rằng, đối với họ việc bỏ tiền ra mua nước uống cho hoạt động sinh nhai ngoài trời là một phần không nhỏ trong thu nhập. Một chị thu mua phế liệu tâm sự với bà Hằng, hàng ngày đi khắp các tuyến đường để nhặt nhạnh nhưng cũng chỉ kiếm được 70.000 - 80.000 đồng, vì vậy chưa bao giờ chị dám mua 1 chai nước để uống. Bởi chị ở quê lên, nào là tiền trọ, ăn uống, tiền gửi về cho con ăn học… nên đều phải rất tiết kiệm.

Mặc dù kinh tế gia đình chẳng lấy gì làm khấm khá, bản thân ngày ngày còn phải vất vả mưu sinh, nhưng thấu hiểu hoàn cảnh những người lao động nghèo, bà Hằng muốn làm một việc gì đó có thể giúp họ phần nào, dù bé nhỏ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bà quyết định mua một bình nước 20 lít, kê trên một chiếc ghế gỗ để bất kỳ ai nếu khát cũng có thể dừng lại uống. Mặc dù nói là thùng trà đá miễn phí nhưng nó được chủ nhân chuẩn bị rất công phu. Từ khâu nấu nước, pha trà đến rửa thùng đựng, ca uống… Sợ nước máy không đủ vệ sinh, vì thế cứ mỗi tối về nhà, dù người mệt lả, nhưng người đàn bà tốt bụng lại loay hoay nấu nước đun sôi, để sáng mang ra góc ngã tư pha trà, thêm đá đổ vào bình. Ngày qua ngày, việc làm của bà Hằng cũng đã được hơn 20 năm. Nhìn họ uống cạn ly nước một cách ngon lành, có lẽ không chỉ người dùng cảm thấy mát lòng mà bà Hằng cũng vui lây.

Cảm động trước tấm lòng của bà Hằng, một số người gần đó đã tài trợ cho bà 1 bình nước làm bằng inox để giữ lạnh. Cứ mỗi sáng, người thợ sửa xe lại lo nước và mua đá lạnh bỏ vào. Khi nào hết nước, bà lại đổ thêm. “Chuyện nấu trà, chở đá, thêm đá, nước bây giờ đều tăng. Cũng một công tôi nấu trà, thay vì nấu 1kg trà mỗi đêm, giờ mình nấu lên 2kg, cũng chẳng vất vả là bao. Công việc quen thuộc hơn 20 năm qua, tưởng chẳng có gì vui, vậy mà hôm nào trời mưa gió, không phải chở trà, đá là tôi lại thấy thiêu thiếu điều gì đó”, bà Hằng tâm sự.

Cũng vì thế mà ngày nào cũng vậy, người dân quanh khu vực đã quen với việc nhìn thấy bình nước mát của bà Hằng. Anh Nguyễn Tuấn Thi - hành nghề “xe ôm” gần ngã tư hồ hởi khoe: “Từ ngày có bình nước của bà Hằng, cứ ai khát thì đến đó uống miễn phí, khỏi phải mua nước. Tưởng nhỏ vậy thôi, nhưng cũng giúp dân lao động chúng tôi tiết kiệm được một khoản tiền kha khá”.

Theo lời của nhiều người lao động trong khu vực, nước trà của bà Hằng rất sạch sẽ, thơm ngon. Hơn 20 năm qua mọi người đều uống mà không hề bị đau bụng hay gặp vấn đề gì với sức khỏe. Thêm nữa là thái độ của chủ nhân bình trà rất nhiệt tình, hòa nhã, ân cần, khiến mọi người không cảm thấy ngại ngùng khi ghé uống trà. Những ly trà mát lạnh của bà Hằng là một chuyện, nhưng tấm lòng thơm thảo mới thật sự đáng trân trọng. “Dù là trà miễn phí nhưng cách làm của bà rất tận tình, không bao giờ để cho người lao động khát nước. Hễ hết nước trong bình, bà lại thêm trà ngay, còn những chiếc cốc nhựa uống nước thì đều được thay hàng ngày, bình inox luôn sạch bóng” - một người từng ghé uống trà của bà Hằng chia sẻ.

Là “người quen” của điểm nước uống miễn phí, một người hành nghề chạy “xe ôm” cho biết: “Lao động nghèo như chúng tôi nhờ nước miễn phí mà quên cơn khát để tiếp tục mưu sinh. Chúng tôi cảm ơn bà Hằng, mong cho bà và gia đình khỏe mạnh, gặp nhiều điều tốt lành. Việc làm của bà ấy dù đơn giản nhưng khiến chúng tôi thấy mát lòng”.

Vất vả mưu sinh

Bà Phạm Thúy Hằng (SN 1963), hàng ngày vẫn mưu sinh bằng nghề sửa xe máy và chở “xe ôm” tại góc đường Lê Văn Sỹ - Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận. Năm 1978, ở cái tuổi 18 trăng tròn của người con gái, bà Hằng nên duyên với người chồng đầu tiên. Chưa kịp nếm trải niềm hạnh phúc, chồng bà nhập ngũ lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Không có chồng bên cạnh, bà vượt cạn sinh đứa con gái đầu lòng. Bà vừa chăm sóc con nhỏ, vừa phụng dưỡng cha mẹ già. Bà làm đủ thứ nghề từ rửa bát, giặt thuê, phụ hồ… để có tiền lo cho gia đình.

Cũng như bao người phụ nữ khác, hàng ngày bà vẫn luôn ngóng trông tin tức từ người chồng. Thế nhưng, khi những người đồng đội của ông đã trở về, chỉ riêng ông vẫn biệt tích. Năm 1982, bà quyết định gửi con lại cho bố mẹ rồi một mình lên đường sang đất bạn để tìm kiếm chồng. Những ngày tháng rong ruổi theo những chiếc xe, bà đi khắp nơi trên mảnh đất Campuchia để tìm chồng. Mỗi khi có thông tin ở đâu, bà lại vội tìm đến. Nhưng những lần tìm đến là những lần bà thất vọng. Sau đó, bà nhận được thông tin chồng đã hy sinh. Đau đớn, bà khóc hàng đêm mỗi khi nhớ về ông. Nhưng nhờ đứa con và sự quan tâm của bố mẹ, bà dần vực dậy tinh thần để tiếp tục cuộc sống.

Trở thành trụ cột chính trong gia đình, nhận thấy cần phải có công việc ổn định, bà quyết định học nghề sửa xe máy. Và nhờ nghề sửa xe này mà một lần nữa hạnh phúc gõ cửa trái tim bà, đó là một cựu chiến binh hành nghề “xe ôm” tại ngã tư nơi bà làm việc. Thời gian trôi nhanh, mọi vất vả của hai ông bà cũng được đền bù xứng đáng khi hai con giờ đã lớn khôn. Cô gái lớn đã lập gia đình, còn cậu em đang tham gia lực lượng dân phố. Do tuổi cao, sức yếu, cộng với vết thương cũ tái phát, chồng bà nay ốm, mai đau, nên không thể làm việc nhiều. Mọi gánh nặng gia đình đặt nặng lên vai bà Hằng.

Tuy cuộc sống có vất vả, nhưng bà Hằng cho biết sẽ quyết tâm duy trì bình trà đá này đến khi nào hết sức thì thôi. Khi nghe bà kể về những sự việc liên quan đến bình trà đá miễn phí của mình, nét mặt của bà rạng rỡ hẳn. Bà mong sẽ có nhiều hơn nữa những bình nước miễn phí, giúp đỡ người khó khăn vơi bớt đi nhọc nhằn trên hành trình mưu sinh. “Việc tôi làm chỉ là góp một phần nhỏ giúp mọi người mà thôi. Thực ra, tôi thấy cái mình nhận được từ công việc này vẫn nhiều hơn. Vì vậy mà phải cố gắng làm thật tốt...”, bà Hằng bộc bạch.