Ngôi trường đại học kỳ lạ ở Paris

ANTD.VN - Cách Paris khoảng 20 cây số có một thành phố đặc biệt - Evrard, thuộc vùng ngoại ô, được xây từ năm 1862 theo thiết kế của kiến trúc sư Paul Eugène Lequeu. Thành phố này có thể gọi là một trung tâm lớn nghiên cứu và chuyên điều trị tâm thần thuộc Nhà nước quản lý, nơi đón tất cả bệnh nhân của khu vực Seine-Saint Denis, với dân số lên tới 1,2 triệu người.

Cổng vào cơ sở y tế công thuộc thành phố Evrard 

Nước Pháp đáng hâm mộ và Paris quả xứng danh là kinh đô ánh sáng khi luôn bảo trợ cho văn hóa, nghệ thuật, giáo dục và đầy tính nhân đạo đối với những người thiệt thòi trong xã hội. Nhìn từ ngoài, Evrard, thành phố - trường của những người tâm thần đẹp chẳng khác nào khu villa, resort.

Tại đây, cũng có Tòa Thị chính để lo giải quyết công việc hành chính của thành phố. Evrard có người gác, có tên đường, khu thể thao, thư viện như các thành phố khác. Cổng vào cơ sở Evrard có tấm biển đề: Cơ sở y tế công (tức là của Nhà nước), thuộc thành phố Evrard.

Buổi giới thiệu về văn hóa Việt Nam tại trường cùng với sinh viên và phụ trách 

Ban đầu, Evrard chỉ là nơi để cách ly các bệnh nhân tâm thần. Năm đầu tiên có khoảng 716 người. Ở đây, thiết kế chia ra từng nơi làm việc, phòng y tế; từng mức độ bệnh nhân: lẩm cẩm, tâm thần bạo động cấp 1, cấp 2… Bệnh nhân tâm thần thường bị gia đình bắt sống biệt lập, nhốt lại, ngại cho giao tiếp với người khác. Nhờ thành phố nhân đạo này, họ có cuộc sống sinh hoạt gần như người bình thường. 

Trước kia, người chăm sóc bệnh nhân thường là con chiên thuộc dòng Thánh  Joseph de Bourg. Năm 1885, chính sách phi tôn giáo trong hệ thống giáo dục đã cho phép mở Viện Đào tạo y tá điều dưỡng (Ifsi - Institut de Formation en Soins Infirmiers) ngự tại 202 đường Jean Jaurès, 93330 Neuilly-sur-Marne. Trường hàng năm chỉ tuyển khoảng 30 sinh viên.

Trường cũng đào tạo hệ sau đại học, chuyên ngành, nên số sinh viên ra trường hàng năm lên tới 200. Sinh viên ngoài thi chuyên môn còn phải qua kỳ thi sát hạnh về tâm lý và lý do chọn nghề này. Do tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần, người y tá điều dưỡng đòi hỏi phải có lòng nhân đạo, tính kiên nhẫn và lòng vị tha. Trường liên kết với Đại học Tổng hợp Paris XII để đào tạo chính quy và hệ thống quy củ theo quy chế đại học và hưởng mọi chế độ Nhà nước. 

Chỉ chuyên chăm sóc bệnh nhân tâm thần nên y tá không chỉ cùng bác sĩ giúp bệnh nhân chữa bệnh, tiêm thuốc mà còn là chuyên gia tâm lý giúp bệnh nhân bớt đi căn bệnh đôi khi chỉ là bệnh ảo. Người tâm thần cũng khao khát tình yêu thương.

Nhiều bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi trong khu này do tính lẩm cẩm hay gây bạo động, vì vậy, chức năng y tá như một người thân trong gia đình. Do đó, ngoài học về nghề nghiệp y tá, sinh viên còn được trang bị một kiến thức tâm lý và cách đối xử với bệnh nhân một cách nhân đạo. Tính nhân đạo cũng là một yếu tố giúp bệnh nhân hồi phục tốt bệnh tâm thần. 

Trong khu vực có cả thư viện rộng lớn. Nơi đây, còn tổ chức triển lãm các tranh vẽ của chính các bệnh nhân. Bệnh nhân nhiều ngành nghề khác nhau, phát bệnh do ảnh hưởng tác động xã hội hay tình cảm. Những họa sĩ, nhạc sĩ thất tình cũng vào bệnh viện điều trị, sau tham gia dạy vẽ, dạy ca nhạc cho bệnh nhân khác. 

Trường đại học nằm trong khuôn viên của bệnh viện, nên việc ra vào trường có mã số và cửa khá dày chắc. Ra vào đều  phải qua hai lần cửa để bảo đảm an toàn cho học viên và giảng viên. Ngay khu vệ sinh công cộng cũng có bảo vệ, đề phòng bệnh nhân tâm thần đang dạo chơi nổi cơn điên loạn. 

Một nguyên tắc nghiêm ngặt của thư viện là cấm chụp ảnh, đó chính là yêu cầu tôn trọng đời sống riêng tư của bệnh nhân. Vô tình một bức ảnh có thể làm lộ tung tích bệnh nhân. Người bệnh khi hồi phục sẽ khó hòa nhập với cuộc sống và dễ bị xa lánh, nếu mọi người biết họ từng bị tâm thần. Thời phát xít Đức, Hitler phi nhân tính đã ra lệnh giết hết các bệnh nhân tâm thần để sàng lọc giống nòi. Đây cũng là lý do từ đó có quy định cấm chụp ảnh trong khu vực bệnh nhân tâm thần sinh sống, lui tới. 

Bà Hiệu trưởng Dominique Đỗ Chi là một phụ nữ gốc Việt năng động, nhiệt tình đối với sinh viên. Bà Dominique Đỗ Chi tâm sự: “Nếu về hưu, tôi mong sẽ có dịp về Việt Nam để giúp quê hương”.

Dominique Đỗ Chi sinh ra ở Pháp, nhưng mỗi lần về Việt Nam, bà đều xúc động, thương đồng bào và quê nhà thiệt thòi từng chịu đựng nhiều hậu quả chiến tranh. Bà mong góp phần kinh nghiệm, kiến thức của mình trong việc quản lý một trường học mang tính nhân văn cao mà Việt Nam cần có. Những bệnh nhân tâm thần không phải lang thang hay bị hắt hủi, xích ở trong nhà.

Họ có bạn bè để giao lưu, họ được tự do đi lại trong thành phố đặc biệt này. Với bệnh nhân nhẹ, để tạo cho họ hồi phục nhanh, một số có thể về với gia đình buổi tối để cảm nhận hơi ấm tình cảm ruột thịt. Nghe tiếng nói của mẹ cha, hay chị em, gặp gỡ gia đình làm họ bớt đi trầm cảm, bớt sốc, nhanh bình phục hơn khi họ bị sống cô lập hoàn toàn. 

Trường không đông, sinh viên ra trường đều có việc làm vì trường không chỉ đào tạo cho riêng thành phố bệnh tâm thần mà cho toàn khu vực Paris và các ngoại ô. Họ có thể làm việc trong các bệnh viện khác, vì các bệnh viện đều có khoa tâm thần. Chỉ bệnh nhân điều trị lâu dài mới chuyển về thành phố đặc biệt này.

Nước Pháp là nước đề cao tính nhân đạo và là quốc gia từng có nhiều thuộc địa, nên đón nhận nhiều người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới. Bệnh nhân tâm thần có đủ sắc tộc, gồm cả châu Á, trong đó có Việt Nam. Bởi vấn đề tôn trọng bệnh nhân, trường học cũng như khu điều dưỡng luôn bảo mật căn cước bệnh nhân.

Tất cả đều bình đẳng, mọi bệnh nhân đều được hưởng chế độ điều trị như nhau. Các y tá ở đây được học thêm về một số đặc thù ngôn ngữ văn hóa các nước để ứng xử văn hóa phù hợp với bệnh nhân từng sinh ra trong gia đình có văn hóa khác. Nhà trường mời các chuyên gia, nhà văn hóa đến, giới thiệu văn hóa các nước cho sinh viên như văn hóa Việt Nam, văn hóa Nhật Bản…

Buổi học ngoại khóa không chỉ gồm sinh viên mà cả ban quản lý tham dự, để tìm hiểu văn hóa các nước giúp cho công việc khi tiếp xúc với bệnh nhân đa văn hóa. Học văn hóa thế giới cũng là một sự hiểu biết cho cá nhân, nhưng là phục vụ hữu ích cho công việc mà họ đang làm. 

Với phương châm “Nụ cười bằng mười thang thuốc”, nhân viên làm việc ở đây rất vui vẻ, nụ cười thường trực trên môi. Cáu gắt, xúc phạm bệnh nhân sẽ làm tổn thương bệnh nhân tâm thần và dễ kích động.

Các nhân viên đều mang tinh thần nỗ lực giúp đưa được bệnh nhân tâm thần trở về cuộc sống bình thường. Trường học này đúng là một trường đào tạo “lương y kiêm từ mẫu” kiểu mẫu, vì chỉ có người mẹ mới đủ kiên nhẫn và tình thương bao la vô bờ bến với con mình dứt ruột đẻ ra, dù nó là người tâm thần. 

Nhân đạo, bác ái là kim chỉ nam của thành  phố và của trường Đại học Evrard. Một thành phố nhân đạo không chỉ giúp cho bệnh nhân hồi phục sớm mà cũng là động lực để cho gia đình bệnh nhân yên tâm công tác, đóng góp cho xã hội.