Nghị lực phi thường của cô gái có tên là Thường

ANTD.VN - “15 năm qua em chưa một lần dám hỏi cha em là ai lúc mẹ em tỉnh táo vì sợ mẹ sẽ khóc, sẽ buồn. Có những lúc mẹ và bác cùng lên cơn đánh mắng, la hét khiến em hoảng sợ. Nhiều năm liền sống trong ngôi nhà lụp xụp chỉ kê đủ một chiếc giường 4 người nằm chen chúc. Có lúc đi học chẳng có tiền nộp em chỉ biết giấu nước mắt tránh để các mẹ nhìn thấy…” - Đó là những tâm sự đầy nước mắt của em Nguyễn Thị Thường (SN 2002), trú tại thôn 9, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.

Góc học tập đơn sơ nơi Nguyễn Thị Thường mải miết viết những bài văn giàu cảm xúc và ý nghĩa

Nguyễn Thị Thường sinh ra trong một gia đình có mẹ bị mắc bệnh tâm thần và không có bố. Em sống cùng mẹ và 2 người bác gái, trong đó một bác cũng bị tâm thần. Nhưng bao năm qua em luôn vượt mọi khó khăn, vươn lên trong học tập, 9 năm liền là học sinh giỏi các cấp và đạt giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi thành phố.

 Những người đàn bà bất hạnh

Chúng tôi về Thạch Thất vào một ngày cuối tuần khi bóng tối đang lấp dần những khoảng nắng rát của một ngày hè. Cánh đồng loang lổ màu khói, đầy những rơm rạ của vụ gặt mới xong. Mùi lúa mới ngập tràn trong không khí, có gì đó bình yên đến lạ. Đâu đó, những người phụ nữ đang tất tả quạt lúa để cất vào kho… Tôi tìm đến xóm Hương Mới để gặp một cô bé đầy nghị lực với cái tên rất giản dị - “Thường”.  

Trong ngôi nhà cấp bốn lụp xụp, trống trơn, nhìn quanh chỉ có bộ bàn ghế xộc xệch, chiếc giường đã cũ và một vài đồ đạc không có giá trị. Nhưng ngôi nhà ấy lại  treo đầy những tấm Giấy khen trên tường. Trước mặt tôi là cô bé có dáng người cao, thanh mảnh, khuôn mặt toát lên sự thanh tú và đôi mắt đầy cảm xúc.

Kể cho chúng tôi nghe về chuyện gia đình, cô Nguyễn Thị Linh (SN 1964), “người mẹ” duy nhất tỉnh táo của Thường không giấu nổi giọt nước mắt khi nghĩ về cuộc đời những người đàn bà trong gia đình này. Hai em của cô là Nguyễn Thị Thái và Nguyễn Thị Hồng Minh (mẹ ruột em Thường) đều bị  tâm thần sau một lần lên cơn sốt, bị bệnh não. Hơn ba chục năm nay, ba chị em dựa vào nhau mà sống. 

“Tôi chỉ hy vọng và nguyện cầu rằng con sinh ra được bình thường như bao đứa trẻ khác. Vài tháng sau, con bé ra đời, ông nội và tôi đã quyết định đặt tên con là “Thường”. Mong rằng chữ “Thường” ấy sẽ khiến con có cuộc đời phẳng lặng, bình yên. Có lẽ với mọi người cái tên ấy không có gì đặc biệt, thậm chí chẳng mỹ miều nhưng với con, nó là cái tên ý nghĩa và hay đến lạ”.

Nguyễn Thị Linh (bác ruột của em Nguyễn Thị Thường)

Thường vẫn gọi cả hai bác gái là mẹ. Nguồn sống của cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, 3 chị em ngày ngày ra đồng đi cắt cỏ thuê để kiếm sống. Đến năm 2002, trong một lần đi cắt cỏ, cô Minh bị một kẻ xấu hãm hại. Cả gia đình không biết cứ nghĩ rằng cô Minh bị ốm cho uống thuốc không khỏi, cho đến khi cái  thai cứ lớn dần đến tháng thứ sáu.

“Người ta bắt đầu đàm tiếu, nhiều người khuyên tôi nên giúp Minh bỏ đi đứa trẻ vì họ lo rằng “mẹ nó tâm thần thì sinh con ra cũng tâm thần thôi”. Có người đã đến tận nhà khuyên và hứa cho mượn tiền để bỏ đứa trẻ. Nhưng lúc đó, tôi đã từ chối và quyết giữ lại con cho em gái”, cô Linh lấy tay lau đi giọt nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ nói.

“Tôi chỉ hy vọng và nguyện cầu rằng con sinh ra được bình thường như bao đứa trẻ khác. Vài tháng sau, em bé ra đời, ông nội và tôi đã quyết định đặt tên con là “Thường”. Mong rằng chữ “thường” ấy sẽ khiến con có cuộc đời phẳng lặng, bình yên. Có lẽ với mọi người cái tên ấy không có gì đặc biệt, thậm chí chẳng mỹ miều nhưng với con, nó là cái tên ý nghĩa và hay đến lạ”- cô Linh cho biết.

Ngày đầu tiên đi học, Thường chẳng khóc lóc, bẽn lẽn như những đứa trẻ khác, em thích thú và muốn mẹ Linh cho em được đi học. Đứa trẻ ham học ấy, suốt 9 năm luôn cố gắng học tập và đạt được những kết quả xuất sắc. “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, có ngày có miếng “ngon” cả nhà phải ăn dè, để dành bớt cho ngày hôm sau. Bữa cơm nhiều khi chỉ có mớ rau, cái đậu. Nhưng Thường cũng chưa bao giờ đòi hỏi. Có đồ ăn ngon con vẫn nhường gắp cho các mẹ đầu tiên. Những lúc ấy tôi nước mắt lưng tròng vì thương con mới nhỏ tuổi đã phải gồng mình như một người lớn trong nhà”, cô Linh chia sẻ.

Bà Linh - bác của Thường kể về đứa con ngoan, học giỏi

Vượt qua hoàn cảnh, nỗ lực học tập

Số phận tưởng như quá bất công với cô gái nhỏ, thế nhưng,  vượt qua những khó khăn ấy, em đã cố gắng học tập để đạt được ước mơ, mang lại hạnh phúc cho những “phụ nữ bất hạnh” trong ngôi nhà thiếu thốn vật chất nhưng đủ đầy tình yêu thương này.

Trở vào bàn học cùng Thường, lật từng khung giấy khen còn lưu giữ lại của em, tôi xót xa cho một cô bé tuổi mới lớn đã phải chịu đựng bao nỗi bất hạnh. Bỗng nhiên tôi thấy Thường buồn hẳn. Có tiếng thở dài hắt ra từ cô bé tuổi 15. Thường vừa thu dọn lại bàn học vừa bảo: “Chắc là mẹ em lại vừa lục tìm đồ gì đó rồi. 2 mẹ lúc bình thường thì vẫn làm việc nhà, nhưng lúc bệnh thì em sợ lắm. Mẹ la hét, thậm chí lao vào em cấu xé. Những lúc ấy em chỉ biết khóc và giữ mẹ bình tĩnh lại”.

Bao lâu nay Thường sống chỉ có mẹ, em không biết bố là ai. Em không dám hỏi mẹ về bố vì sợ mẹ sẽ buồn, sẽ khóc, sẽ lại hoảng loạn. Cuộc sống của em chỉ cần các mẹ vui là em thấy đủ rồi.  Thường là cô gái ít nói, sống nội tâm. Ở trường em không có bạn thân, ngoài giờ học khi các bạn vui chơi thì em chỉ biết miệt mài với những quyển sách. Em co mình lại với thế giới xung quanh như “con chim sợ cành cong”. Thường nói: “Từ nhỏ em đã ít nói, hết giờ đi học em đều ở nhà, không đi chơi cùng các bạn. Vì các mẹ đều đi làm cả ngày nên em phụ giúp việc nhà từ bé. Từ năm lên lớp 3, cứ hết giờ học em lại ra đồng cùng mẹ đi cấy, đi gặt, cắt cỏ…”. 

Thường phụ giúp mẹ việc nhà sau giờ học

Nhận thức được hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nên từ bé Thường đã cố gắng tự nhủ mình phải vươn lên học tập. Thường hiểu rằng chỉ duy nhất con đường học hành mới giúp em và các mẹ thay đổi cuộc sống. “Em lao vào học, có những tháng chuẩn bị ôn thi học sinh giỏi cấp huyện, thành phố em học đến  2-3h sáng. Có đêm ngồi mải miết viết hết cả 2 đề văn chẳng thấy mệt. Em muốn học thật tốt các môn đặc biệt là Tiếng Anh, Văn, Toán để sau này, em trở thành phóng viên thật giỏi”, Thường cười tươi khi chia sẻ về ước mơ của mình.

Vì nhà nghèo không có tiền đi học thêm nhiều nên Thường tự học. Nhiều thầy cô thấy vậy đã nhận dạy miễn phí cho em. Trong những năm học vừa qua, Thường 9 năm liền đạt học sinh giỏi toàn diện, 3 lần đạt giải trong kỳ thi giải Toán qua Internet. Lớp 9 Thường là Học sinh Giỏi cấp huyện môn Lịch sử, các môn khoa học, Ngữ văn…, giải Nhì cấp thành phố môn Ngữ văn.  

Ngày 24-5 vừa qua, Nguyễn Thị Thường đã vinh dự được nhận khen thưởng của UBND TP Hà Nội trong Lễ tuyên dương khen thưởng Học sinh Giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2016-2017. Em là tấm gương vượt khó, học giỏi xuất sắc của ngành giáo dục Thủ đô. Dịp này, Thường vừa hoàn thành xuất sắc kỳ thi tuyển sinh vào 10. Em hy vọng rằng đây sẽ là bước đệm tốt cho em thực hiện ước mơ của mình.