Nghỉ hưu trước tuổi, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện như thế nào?

ANTD.VN - Ngày 22-8, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức giao lưu trực tuyến để giải đáp một số vướng mắc về các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Liên quan đến vấn đề đóng thêm bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu, có trường hợp thắc mắc: "Tôi là một viên chức Nhà nước và đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 01-2004. Đến hết tháng 9-2018 tới đây tôi đến tuổi nghỉ hưu. Tôi đóng đã đóng bảo hiểm xã hội được 14 năm 9 tháng.

Vậy đến tháng 9-2018 tôi chưa đủ 20 năm tham gia BHXH để nghỉ hưu, còn thiếu 5 năm 3 tháng (tương đương 63 tháng). Hiện tôi đang hưởng mức lương với hệ số 3,86 và phụ cấp 0,3. Tôi sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổng số tiền ra sao để tháng 10-2018 tôi nhận được lương hưu".

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, khoản 1 Điều 9, Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ thì người lao động được đóng 1 lần cho những năm còn thiếu đối với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Do đó, người lao động có thể lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng) cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Tỷ lệ đóng bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng.

Mức đóng 1 lần cho những năm còn thiếu được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do bảo hiểm xã hội công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Để tính cụ thể số tiền phải đóng một lần để hưởng lương hưu vngười lao động cần liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi mình cư trú hoặc làm việc để được hướng dẫn cụ thể.