Nghệ thuật làm việc tốt

ANTĐ - Được đi công tác dài ngày tới Nhật Bản, Phillip rất hào hứng vì anh từng nghe nhiều về đất nước rất đề cao sự tôn kính và phép lịch sự này. Vậy mà khi ở Nhật, đi trên tàu điện ngầm, Phillip vô cùng ngạc nhiên khi thấy những người trẻ tuổi thì ngồi ghế còn những người cao tuổi lại đứng.

Một hôm nọ khi anh đang trên đường đến công ty, một người phụ nữ lớn tuổi, tay xách nhiều đồ bước vào tàu điện ngầm. Phillip ngay lập tức đứng dậy và mời bà ngồi xuống ghế của mình, không ngờ bà từ chối, khó chịu nhìn anh bảo: “Tôi đứng được, tôi chưa già đến mức phải nhường ghế đâu”.

Phillip sững sờ, vội vàng phân bua nhưng người phụ nữ nọ quay đi, tỏ ý không thèm nghe khiến anh càng bối rối. Hôm sau nữa, khi Phillip cũng đang ngồi trên tàu thì một bà mẹ bế cô con gái nhỏ bước vào. Được Philip đứng lên nhường chỗ, bà mẹ nọ cũng từ chối với lý do cô chỉ đi ba trạm. Đến lúc này Phillip thực sự hoang mang.

Philip đem thắc mắc của mình hỏi một đồng nghiệp người Nhật, người đồng nghiệp cười phá lên: “Không phải anh không chân thành, không lịch sự mà chỉ là anh chưa tìm hiểu kỹ văn hoá của chúng tôi mà thôi, việc nhường ghế phải có kỹ năng. Khi anh nhường ghế cho một người cao tuổi, họ sẽ nghĩ anh muốn nhắc họ rằng họ đã già rồi, điều này khiến họ rất phiền muộn, họ không muốn mình được ưu tiên vì già. Khi anh nhường ghế cho người khác dù là anh có ý tốt nhưng như thế không có nghĩa họ phải tiếp nhận lòng tốt của anh. Họ không muốn gây sự chú ý, họ không muốn tiếp nhận ân huệ của người khác, họ không muốn họ là người cần được giúp…”.

Phillip hiểu ra, hỏi: “Vậy tôi phải cần kỹ năng như thế nào khi muốn nhường chỗ cho người khác?”. Người đồng nghiệp trả lời: “Đó là sự tế nhị để không làm tổn thương bất cứ ai. Nếu muốn nhường chỗ, anh có thể giả bộ như sắp xuống ga tới, quay đầu bước gần tới cửa hoặc đi sang khoang tàu khác. Tóm lại anh không cần nói gì mà hãy đứng lên đi rồi bỏ lại ghế trống, nếu người khác thấy cần chỗ trống đó, họ sẽ tự ngồi xuống”.