Ngành Sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra mà không sử dụng

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Năm 2018, điểm đầu vào sư phạm sẽ nằm trong top đầu.

Việc các trường sư phạm không tuyển được học sinh giỏi khi điểm đầu vào hạ quá thấp được lý giải là do sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm. Tình trạng đào tạo ồ ạt khiến đầu ra không có việc làm kéo dài đã làm cho nguồn nhân lực ngành Sư phạm bị thay đổi, đòi hỏi phải sớm điều chỉnh chính sách.

Ngành Sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra mà không sử dụng ảnh 1Việc khẳng định bảo đảm đầu ra cho các giáo sinh tương lai là điều kiện hấp dẫn để thu hút nhân tài vào học ngành này

Quyết tâm để điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu

Bộ GD-ĐT thừa nhận, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường sư phạm chưa bảo đảm cân đối về cơ cấu, trình độ và ngành nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Các chính sách thu hút người có năng lực theo học sư phạm chưa hấp dẫn dẫn đến việc nhiều ngành Sư phạm cần và có chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không tuyển sinh được. Giáo sư Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cho rằng, việc nhiều sinh viên sư phạm không có việc làm hoặc làm không đúng ngành nghề đã dẫn tới sự lãng phí lớn. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đã đến lúc, ngành Sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra mà không sử dụng. Để làm được điều đó, không có cách nào khác là phải đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và yêu cầu chất lượng. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố cần xác định nhu cầu nhân lực sư phạm trong các giai đoạn trung và dài hạn, xây dựng kế hoạch đặt hàng, tuyển dụng và cam kết phân công công việc sau khi đào tạo. Bộ GD-ĐT sẽ có trách nhiệm cùng làm việc với các địa phương để có giải pháp cụ thể. 

“Chúng ta thống nhất rằng từ năm 2018, chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Học sinh vào học ngành Sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh. 

Ngành Sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra mà không sử dụng ảnh 2Tuyển sinh ngành Sư phạm sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2018

Quy mô đào tạo sẽ co lại

Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chủ trương đào tạo sư phạm theo đặt hàng của các địa phương là đúng. “Các địa phương nắm rõ nhất họ thiếu gì, thừa gì, cần thêm bao nhiêu giáo viên ở cấp nào. Đào tạo theo nhu cầu của địa phương là hoàn toàn chính xác và tôi ủng hộ điều đó”, Giáo sư Đào Trọng Thi phân tích. Với cơ chế này, số lượng sinh viên đào tạo sư phạm sẽ bị thu hẹp lại. 

“Năm 2018, chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Học sinh vào học ngành Sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Quy mô được siết như vậy thì đầu tư cho sư phạm sẽ tốt hơn, cải thiện được các điều kiện đầu tư cho ngành Sư phạm.

Bên cạnh đó, việc đào tạo theo yêu cầu sẽ giúp đầu ra được bảo đảm, tạo sự hấp dẫn của ngành Sư phạm đối với sinh viên. Thí sinh khi chọn ngành Sư phạm có thể yên tâm có chỗ làm việc chứ không phải là đua nhau “chạy” một suất vào biên chế. Tuy nhiên, việc triển khai phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và các địa phương không phải cứ nêu ra là thực hiện được.

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2013, khi triển khai quy hoạch phát triển nhân lực ngành Giáo dục, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các địa phương rà soát đội ngũ để có kế hoạch đào tạo theo địa chỉ. Tuy nhiên, sự phối hợp của địa phương và bộ cùng các trường không tốt nên không thực hiện được. 

Đơn cử, Bộ GD-ĐT xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo số giảng viên cơ hữu và diện tích; trong khi các tỉnh, thành phố phân bổ ngân sách theo kế hoạch của địa phương trên đầu sinh viên. Ngoài ra, ở địa phương, do bất cập về phân cấp quản lý nên không có cơ quan nào chịu trách nhiệm đặt hàng, vì thế, các trường sư phạm cũng lúng túng, đành phải tuyển sinh theo khả năng đào tạo.

TS. Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung ương và địa phương cùng sự chỉ đạo tập trung thống nhất của ngành thì mới hy vọng chủ trương đào tạo theo đơn đặt hàng thành công. “Việc khẳng định bảo đảm đầu ra cho các giáo sinh tương lai, họ không phải chạy chọt hối lộ khi tìm việc làm, đồng lương hợp lý theo nguyên tắc cung - cầu sẽ là những điều kiện hấp dẫn để thu hút nhân tài vào học ngành này”, TS. Hoàng Ngọc Vinh nhìn nhận.  

Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, để gỡ nút thắt đào tạo sư phạm hiện nay, phải nghiên cứu nhu cầu thực tế. Bộ GD-ĐT phải có một khảo sát, dự báo, quy hoạch lại để cân đối cung cầu mới có thể đào tạo theo sát nhu cầu thực tế. Trước mắt, sinh viên đào tạo ra phải có việc làm, đồng thời vẫn khuyến khích đầu vào và cuối cùng là giải quyết chế độ lương của giáo viên theo hướng tăng lên.

“Các địa phương nắm rõ nhất họ thiếu gì, thừa gì, cần thêm bao nhiêu giáo viên ở cấp nào. Đào tạo theo nhu cầu của địa phương là hoàn toàn chính xác”.

Giáo sư Đào Trọng Thi (Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

“Việc khẳng định bảo đảm đầu ra cho các giáo sinh tương lai, họ không phải chạy chọt hối lộ khi tìm việc làm, đồng lương hợp lý theo nguyên tắc cung - cầu sẽ là những điều kiện hấp dẫn để thu hút nhân tài vào học ngành này”.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục - Đào tạo)